Vào giữa tháng 3/1975, thắng lợi ban đầu của Chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là trận then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Nhận thấy thời cơ chiến lược thuận lợi và đến sớm hơn dự tính, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định bổ sung vào quyết tâm chiến lược là tập trung giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị nhấn mạnh, để thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản đề ra, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lúc này là mở tiếp đòn tiến công chiến lược thứ 2 - giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung.
Ngày 21/3/1975, trên chiến trường Trị-Thiên và Nam-Ngãi, bộ đội ta đồng loạt nổ súng, thực hiện chia cắt Huế với Đà Nẵng, cắt đứt đường số 1, chặn đánh địch ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Thành phố Huế hoàn toàn bị bao vây, cô lập. Ngày 22/3/1975, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 ngụy bỏ chạy về Đà Nẵng bằng đường không. Đêm 24/3/1975, từ các hướng, những đơn vị binh chủng hợp thành của ta bắt đầu tiến vào thành phố, tiêu diệt Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy tại Mang Cá, chiếm cửa Ngọ Môn, Tòa thị chính, Ty cảnh sát... và cắm lá cờ chiến thắng lên đỉnh Phú Văn Lâu. Ngày 26/3/1975, thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng.
PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện sử học khẳng định tầm quan trọng của chiến dịch này: Đây là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nhất là Trị Thiên, là nơi tiếp giáp với miền bắc XHCN, lực lượng miền Bắc có thể đánh vào miền Nam nên ở khu vực này quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng phòng ngự mạnh. Sau khi thất bại ở Tây Nguyên, lực lượng tàn quân xuống Huế, Đà Nẵng nên khiến cho đội quân của địch càng lớn mạnh. Một điểm nữa là tuyến phòng thủ ven biển bao gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng rất mạnh. Lực lượng địch mạnh như vậy thì ta không thể bỏ qua chiến dịch này để tiến vào Sài Gòn được. Nếu bỏ qua sẽ không thể có thắng lợi.

Cùng thời gian này, lực lượng vũ trang Quân khu V phối hợp với quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy tiêu diệt Sư đoàn II Ngụy, giải phóng Tam Kỳ ngày 24/3, Quảng Ngãi ngày 25/3, Chu Lai ngày 26/3, giải phóng toàn bộ phía Nam Quân khu I, tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam. Thắng lợi ở Trị Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Chu Lai và việc tiêu diệt các Sư đoàn I, II của đối phương đã phá vỡ một bộ phận quan trọng trong kế hoạch co cụm giữ Đà Nẵng của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến lên tiêu diệt địch ở Đà Nẵng.
Sáng 28/3, từ nhiều hướng khác nhau, quân ta tiến công dồn dập và mạnh mẽ vào Đà Nẵng, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu: Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, sân bay, quân cảng, Tòa thị chính…, đánh phá khu nhà lao, giữ gìn các cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa… Đến 15h ngày 29/3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà; 17h giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Có thể nói, với những quyết định chính xác, táo bạo và rất kịp thời của các cấp, quân và dân ta đã nhanh chóng thực hiện thắng lợi đòn tiến công giải phóng các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh, hoàn toàn có lợi cho ta.
PGS.TS Đinh Quang Hải khẳng định: Chiến dịch Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức to lớn, giáng đòn nặng nề vào chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng như kế hoạch kéo dài chiến tranh của Mỹ. Sau khi giành được thắng lợi trong chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, cánh cửa tiến vào giải phóng Sài Gòn đã được mở rộng. Với chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng chúng ta đã đập tan được tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch và sau đó cả tuyến phòng ngự ven biển miền Trung cũng bị đập tan. Cho nên, việc chúng ta tiếp tục mở con đường đánh vào phía Nam là hết sức thuận lợi.
50 năm đã trôi qua nhưng chiến dịch Huế - Đà Nẵng luôn là dấu ấn sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, cùng với chiến dịch Tây Nguyên góp phần quyết định làm thay đổi hẳn về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy nhanh tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.