Hướng tới mục tiêu “vì một Long Biên xanh - sạch -đẹp - văn minh”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân quận Long Biên, Hà Nội triển khai nhiều chương trình, hoạt động về môi trường. Chính vì thế, giờ đây cảnh quan, môi trường nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Trao đổi với phóng viên VOV2, bà Nguyễn Thị Tuyết Lập, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phúc Đồng rất tự hào về những đóng góp của hội viên và đông đảo người dân trên địa bàn về sự thay đổi này.

Phóng viên: Thưa bà! Quận Long Biên đang nỗ lực phát triển địa bàn theo hướng “xanh - sạch - đẹp - văn minh”. Thời gian qua, Hội phụ nữ phường Phúc Đồng có những hoạt động gì để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này?

Bà Lập: Địa bàn Phương Phúc Đồng có 11 tổ dân phố. Theo đó là 18 chi hội phụ nữa, trong đó 8 chi hội triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, dọn vệ sinh khu phố. Về phân loại rác, những vật dụng nào còn sử dụng được thì chị em phân ra là rác chế. Thậm chí, chị em còn tận dụng một số lọ hoa, chậu nhựa để trồng cây hoa. Riêng số rác tái chế thì bán gây quỹ hội. Hiện tại, 6 chi hội thực hiện việc thu gom, phân loại rác hàng tuần rồi bán, gây quỹ. Các chi hội còn lại thì thực hiện việc này theo tháng và quý. Mô hình này chúng tôi triển khai mấy năm nay rồi. Mới đầu chỉ là phong trào thu gom, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, nhưng sau tự người dân và chị em phụ nữ mới nghĩ ra việc phân loại ra và bán rác tái chế.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, nhiều người chưa biết cách phân loại rác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn của TP Hà Nội thất bại. Vấn đề này được Hội Phụ nữ phường Phúc Đồng đặt ra và hóa giải như thế nào?

Bà Lập: Chúng tôi mời các chuyên gia ở phòng đô thị của quận về nói chuyện, hướng dẫn cán bộ nòng cốt cách phân loại cụ thể từng nhóm rác. Trong năm 2022 chúng tôi triển khai thêm một bước nữa là hướng dẫn cách xử lý rác thải tại gia đình. Hiện chúng tôi đang thí điểm tại 3 chi hội - những tổ dân phố còn đất vườn. Sau khi phân loại, với rác tái chế thì bán gây quỹ, còn rác hữu cơ - với những nhà còn vườn thì đem ủ, làm phân vi sinh. Chúng tôi có mời chuyên gia về nông nghiệp về hướng dẫn cách ủ rác thành phân vi sinh. Chỉ những rác không thể tái chế, không làm được phân vi sinh thì mới mang ra xe rác.

Phóng viên: Giờ đây hành động phân loại rác tại nhà đã trở thành thói quen của đông đảo hội viên và người dân phường Phúc Đồng. Hội làm thế nào để có được kết quả này?

Bà Lập: Đầu tiên, chúng tôi tập huấn cho chị em là cán bộ nòng cốt để họ nắm được ý nghĩa của việc phân loại rác, từ đó lan tỏa cho hội viên và cộng đồng. Chúng tôi cũng đưa vào chỉ tiêu thi đua. Hàng năm, chúng tôi tổng kết, đánh giá xếp loại dựa trên một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về vệ sinh môi trường, phân loại rác tại các chi hội.

Năm nay Long Biên tiếp tục triển khai chỉnh trang đô thị hướng tới 20 năm thành lập quận. Hội Phụ nữ phường Phúc Đồng sẽ triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn, vì đây là yếu tố then chốt để Long Biên có được môi trường xanh, sạch, đẹp và nếp sống văn minh.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!