Thí nghiệm định kỳ để chủ động trước

Hai ngày nghỉ cuối tuần, trạm 500kV Quảng Ninh vẫn làm việc bình thường. Trong nhà vận hành, kíp trực vẫn theo dõi các con số dòng điện trên màn hình máy tính. Ở sân thiết bị, các kỹ sư của Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) cùng các kỹ sư trạm đang thực hiện thí nghiệm định kỳ máy cắt, dao cách ly.

Anh Nguyễn Thành Trung – Phó trạm trưởng trạm 500kV Quảng Ninh cho biết, thí nghiệm định kỳ để đánh giá chất lượng hoạt động của thiết bị. "Từ kết quả đấy chúng tôi sẽ có phương án sửa chữa thường xuyên hoặc sửa chữa lớn để duy tu bảo dưỡng.Trong mùa mưa bão, thiết bị vận hành bình thường thì không sao nhưng xảy ra vấn đề gì sẽ không lường trước được hậu quả. Chính vì thế thí nghiệm thiết bị để mình chủ động trước", anh Trung nói.

Thí nghiệm thiết bị giống như “khám sức khỏe định kỳ” cho các cỗ máy bằng kim loại, không chỉ nhìn bề ngoài mà cần “khám” cả các chi tiết bên trong, xem xét khả năng hoạt động của từng thiết bị. Trước đây khi chưa đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thì kết quả thí nghiệm được lưu bản cứng. Hàng năm khối lượng danh mục thí nghiệm định kỳ rất nhiều và vì vậy "sổ sách" cũng có nguy cơ bỏ sót.

"Khi có trang web quản lý phần mềm thiết bị đã giúp người quản lý dễ dàng hơn, công tác giám sát thí nghiệm định kỳ cũng sẽ chặt chẽ hơn, không bị bỏ sót hạng mục nào" - anh Trung khẳng định.

PTC1 phấn đấu thiết lập 100% đường bay tự động

Một trong những ứng dụng công nghệ phổ biến nữa của các đội truyền tải điện phải kể đến thiết bị bay UAV. Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai UAV trong quản lý vận hành đường dây diễn ra đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, ông Hoàng Xuân Khôi - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) yêu cầu lãnh đạo các Truyền tải điện, chỉ đạo sát sao hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ phấn đấu đến 15/12/2023, các đội truyền tải điện phải thiết lập được 100% đường bay tự động theo từng vị trí cột thuộc địa bàn quản lý; các khu vực không có sóng GPS, 3/4G và khu vực cấm bay, khu vực biên giới,… phải đánh dấu và báo cáo cụ thể để Công ty có giải pháp phù hợp; những đơn vị đã thiết lập xong đường bay tự động, chủ động thực hiện triển khai thực hiện quét LIDAR.

Trong những năm gần đây, Công ty Truyền tải điện 1 liên tục mở các lớp bồi dưỡng cho các cán bộ, kỹ sư điện đang làm việc tại các đội truyền tải. Nguyễn Trọng Lượng và Nguyễn Văn Duẩn – đội truyền tải điện Cao Bằng đã được đào tạo 10 ngày tại Hà Nội. Anh Lượng kể về những ngày bay thực địa căng thẳng và hồi hộp:

"Lần đầu tiên bay để kiểm tra dây chống sét bị đứt. Nếu không có UAV thì chúng tôi phải cắt điện và đến tận nơi" - anh Lượng chia sẻ, đó là lần bay thực địa khiến anh căng thẳng, hồi hộp.

Vài tháng thực hiện bay ở nhiều địa hình khác nhau khiến các anh vững tay điều khiển hơn. Trong mùa mưa lũ, chiếc UAV Mavic 2 phát huy tác dụng triệt để. "Hiệu suất công việc tăng lên, chúng tôi đứng một vị trí có thể kiểm tra được các khoảng cột ở vị trí cao, đi lại khó khăn" - anh Nguyễn Văn Duẩn nói.

Một lần cất cánh trung bình khoảng 20 phút, những hình ảnh từ UAV gửi về giúp lãnh đạo đội quan sát, phân tích tình hình và đưa ra phương án sửa chữa kịp thời, hạn chế tối đa sự cố xảy ra. Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 đã giao phòng Kế hoạch, Đầu tư và Xây dựng tiếp tục làm việc với nhà cấp hàng để bảo hành UAV theo dự án “Trang bị thiết bị bay UAV các đơn vị trực thuộc PTC1” và gia hạn giấy phép bay, hướng dẫn các truyền tải điện xử lý các UAV hư hỏng trong trường hợp không được bảo hành; xem xét bố trí nguồn vốn để sửa chữa UAV trong trường hợp có hư hỏng khi hết thời hạn bảo hành./.

Nghe phóng sự tại đây: