Những năm chiến tranh ác liệt, hơn 3.000 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Họ mang theo “trí tuệ Bách khoa” vào trong các trận chiến đấu khốc liệt với nhiều sáng kiến như: “Vạch nhiễu tìm thù”, bắn rơi "pháo đài bay" B-52; “Chọc mù mắt hung thần AC130”; “Vô hiệu hóa tên lửa shrike”... Ba trận địa súng cao xạ phòng không 14,5mm của thầy trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi đó cũng góp phần tạo nên lưới lửa phòng không trên bầu trời Thủ đô.

Cũng như bao sinh viên thời đó, đầu năm 1972, khi đang là sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông Trần Nhật Tân tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi tập huấn ở Sư đoàn 361, ông Tân được cử đi nước ngoài để học điều khiển loại tên lửa mới. Chỉ với 6 tháng ông đã hoàn thành xuất sắc các bài học. Về nước ông lập tức được phân công vào các trận địa. Chúng tôi được sống với “Hà Nội thời đạn bom”, còi báo động từ Nhà hát Lớn thành phố ngày nào cũng kéo nhiều hồi còi báo động. Các trường học và người Hà Nội phải thực hiện sơ tán triệt để, người ở lại trong thành phố chỉ còn là tự vệ trực chiến sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, ông Tân kể.

Hồ Hữu Tiệp hay còn gọi là hồ B52 - 1 trong những địa danh được nhiều người biết đến. Nơi đây từng ghi dấu chiến công của quân và dân Hà Nội trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không khi đã bắn rơi máy bay B52 - vốn được xem là "Pháo đài bay bất khả xâm phạm" của Mỹ. Một trong những người đã trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay đó là ông Nguyễn Đức Chiêu - cựu sinh viên khóa 13 Đại học Bách Khoa - Hà Nội.

Ông Chiêu nhớ lại: Chiều 25/12/1972, đơn vị ông là Tiểu đoàn 72 được lệnh cơ động từ Hải Phòng lên tăng cường cho Sư đoàn 361 có mặt tại vị trí, triển khai chiếm lĩnh trận địa. Sáng 26/12/1972, Tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu ở hướng Đông Bắc, Hà Nội. 22h52 ngày 27/12 Tiểu đoàn nhận được lệnh của Trung đoàn giao nhiệm vụ tiêu diệt tốp máy bay B52 từ hướng Tây Nam đang đánh vào Hà Nội.

Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho kíp trắc thủ chọn dải và thống nhất dải nhiễu; sau khi thống nhất dải nhiễu ở phương vị 195 độ, xác định phần tử ổn định, Tiểu đoàn trưởng đối chiếu tốp mục tiêu kíp trắc thủ đang bám sát chính là tốp máy bay B52, mang ký hiệu 491, được Trung đoàn giao nhiệm vụ nên nhanh chóng hạ lệnh: Phóng 2 đạn, góc tà 280, phương vị 198, phương pháp điều khiển 3 điểm, ngòi nổ 11 giây chậm, bám sát bằng tay.

Chiếc B52 chưa kịp cắt bom đã trúng đạn, bốc cháy rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà. Đây là chiếc máy bay B52 duy nhất bị bắn rơi khi giặc lái chưa kịp cắt bom trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 và cũng là chiếc máy bay B52 thứ 2 bị bắn rơi tại chỗ trên đường phố nội thành Hà Nội.

Áp dụng kiến thức học từ trường vào thực tế, sinh viên Bách khoa dùng kiến thức khoa học kỹ thuật để đánh chiến tranh điện tử của Mỹ ở miền Bắc. Không quân Mỹ đánh vào miền Bắc, dùng thiết bị gây nhiễu rãnh đạn, thời gian đầu 2 trung đoàn Hà Nội đều bị mất điều khiển không thể bắn rơi máy bay Mỹ, tên lửa phóng lên một là rơi xuống đất, hai là vượt tầm không thể lái được trúng mục tiêu. Cựu chiến binh Phạm Văn Đồng - sinh viên khóa 12 Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 tương quan lực lượng 2 bên rất chênh lệch. Khí đó, chúng ta chỉ có Mig 17, Mig 21, tên lửa Sam 2, trong khi đó Mỹ tập trung lực lượng không quân lớn, với nhiều máy bay B-52 cùng các loại máy bay hiện đại khác. Với sự mưu trí, lòng dũng cảm, quyết tâm quân và dân ta đã lập nên kỳ tích. Chia sẻ về những chiến công xuất sắc của những người lính từng xuất thân từ ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát cho rằng, các anh chính là những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.

50 năm qua, những người lính ra đi từ giảng đường đại học năm ấy đã để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường. Đó chính là ký ức đẹp, đáng nhớ của một thời khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc./.