Lưu Thị Hiếu chào thính giả VOV bằng 3 thứ tiếng:

Khuyết tật là bất tiện chứ không phải bất hạnh

Hẹn gặp Hiếu tại văn phòng của Doanh nghiệp xã hội Chạm vào xanh tại tầng 1 của tòa chung cư ở Hà Nội. Đây là dự án việc làm tâm huyết của Hiếu và người bạn Nguyễn Thùy Chi. Hiếu đi xe lăn điện đến. Cuộc đời của người bại não (CP) gắn liền với chiếc xe lăn. Nếu không có tài chính để mua xe điện, họ sẽ cần đến người hỗ trợ 24/24h.

"Nếu tôi cần ra ngoài thì bạn hỗ trợ sẽ đến giúp tôi tắm rửa, mặc quần áo, kiểm tra xem xe lăn của mình đi được chưa, bê xe lăn lên cốp của taxi và cùng tôi đến chỗ làm việc" - Hiếu chia sẻ về sinh hoạt đời thường của mình.

Bại não (Cerebral palsy - CP) là một hội chứng khiếm khuyết về thần kinh xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, do não bị tổn thương một phần không tiến triển, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng vận động, ngôn ngữ, giác quan của trẻ.

Tổn thương não có thể xuất hiện trước, trong hoặc ngay sau khi sinh và tồn tại cả đời. CP xảy ra từ 0.1-0.2% trẻ em và ảnh hưởng đến 15% trẻ sơ sinh non tháng. Biểu hiện lâm sàng ở các mức độ khác nhau giữa các cá thể.

Dạng khuyết tật này khiến việc nói chuyện của Hiếu cũng trở nên khó khăn nhưng cô gái luôn tìm cách diễn đạt dễ hiểu nhất. "Tổn thương ảnh hưởng đến vận động hàng ngày của tôi. Tôi đã luôn chấp nhận khuyết tật này là một phần của cuộc sống nên tôi coi khuyết tật là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh" - Hiếu nói.

Nếu ai đó phải mất cả hành trình nhiều năm trong đời để chấp nhận sự thật: mình là người khuyết tật thì Hiếu thừa nhận "mình có cá tính mạnh mẽ" để chấp nhận sớm. Ngay từ nhỏ, ai nói những điều tiêu cực về dạng tật thì Hiếu luôn gạt ra khỏi đầu. Chấp nhận là cách để bạn bước tiếp chứ không phải loay hoay ở điểm khởi đầu.

Ngày nhỏ, Hiếu vẫn còn đi lại, tự tắm, tự ăn được. Nhưng đến năm 28 tuổi, lưng bắt đầu đau và xuất hiện những khó khăn trong vận động. Hiếu không thể đi lại, việc nói cũng đầy trở ngại. "Tôi không khóc vì sự bất tiện này" - Hiếu nhớ lại những ngày căn bệnh trở nặng.

Học là con đường duy nhất để hòa nhập cộng đồng

Phóng viên: Có một điểm tôi thấy rõ rệt ở bạn là con đường học hành khá thẳng nhỉ?

Lưu Hiếu: Cái đầu tiên mình cần là sự quyết tâm từ phía gia đình. Việc tiếp cận với giáo dục cực kỳ quan trọng, nó gần như là con đường duy nhất để người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày Hiếu vào lớp 1, giáo viên đã từ chối với lý do liệu cô bé này có thể học được không? Sự hạn chế nhận thức ngày ấy đã cản trở nhiều học sinh khuyết tật đến trường.

"Tôi thấy không công bằng. Mình đến trường để học mà tại sao mình phải chứng minh cho người ta thấy mình có khả năng học. Với một đứa trẻ lớp 1, điều đó rất là bất công" - Hiếu hiểu rằng ngày đó xã hội chưa hiểu biết nhiều về dạng CP, rằng họ có thể đi học.

Nghe chương trình tại đây:

Cô gái bại não từng bị từ chối vào lớp 1 năm đó đã học Đại học, được học bổng đi du học và hiện làm việc tại Phòng điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phụ trách các vấn đề người khuyết tật tại Liên Hợp Quốc.

Có trình độ, có công việc ổn định, Hiếu không bằng lòng dừng lại đó. Hiếu gặp Nguyễn Thùy Chi - cũng bị bại não và cùng nhau thành lập Doanh nghiệp xã hội Chạm vào xanh. Hai cô gái bán các mặt hàng thủ công từ len móc - sản phẩm từ chính người khuyết tật làm ra. Hiếu hy vọng rằng nhiều người khuyết tật sẽ sống độc lập bằng chính sức lao động của mình.