Đã 6 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày đầu đưa con đến trường PTCS Hy Vọng ở phố Trường Lâm, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thương ở Bắc Ninh vẫn cay cay khóe mắt. Nhà cách trường hơn 20 km nhưng không ngày nào trong 6 năm qua, hai mẹ con chị Thương vắng mặt ở trường. Khi đó, qua bạn bè giới thiệu, bé Thư Trang con gái chị xin vào trường dành cho trẻ câm điếc để học chữ nhưng quãng đường học con chữ của em quá vất vả. “Hai năm đầu, hai mẹ con vừa đi đường vừa khóc, đường xa con cứ ngủ gật. Nhiều lúc khóc tủi lắm, cứ bảo con nhà mình đi học cái chữ sao khổ thế nhưng mà cả hai mẹ con vẫn cố gắng để không bị mù chữ”, chị Thương tâm sự.

Từ khi phát hiện con bị điếc bẩm sinh, chị Thương đã cố gắng tìm kiếm các phương pháp chữa trị. Thế nhưng khi đó, không có nhiều địa chỉ điều trị về bệnh điếc nên chị phải tự tìm hiểu tài liệu. Chị nhận thấy, nếu trẻ được can thiệp và điều trị sớm bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nghe nói thì trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Vì thế, chị quyết tâm đưa con đến trường để không chỉ thu nạp kiến thức mà còn học kỹ năng cần thiết của một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Bé Thư Trang và các bạn được theo học chương trình chuyên biệt gồm học văn hóa, các môn bổ trợ và phục hồi kỹ năng nghe nói. Ngoài ra, các em còn được tham gia chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính như tư vấn đo khám thị lực, chỉ định, hiệu chỉnh máy trợ thính, phục hồi chức năng, phát triển ngôn ngữ. Đặc biệt, các em lớp cuối cấp được học nghề cắt may và nhiều em đã trưởng thành từ nghề này.

Có được kết quả đáng mừng đó là do các thầy cô giáo ở trường Hy Vọng luôn hết lòng thương yêu học sinh, gắn bó, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chắp cánh ước mơ cho những học trò khiếm thính, đặc biệt là cô giáo Trần Thị Minh Thảo. “Cô Thảo rất nhiệt tình, cần gì cô sẵn sàng giúp đỡ, không phân biệt cô giáo với học sinh. Khi con gái tôi vào đây, cháu đã cảm nhận đây không chỉ là trường học mà còn là mái ấm gia đình, che chở các con", chị Thương bày tỏ.

Với cô Trần Thị Minh Thảo, sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi bạn học sinh khuyết tật chính là động lực để cô tiếp tục hành trình trồng người mà cô nguyện gắn bó. Nhớ lại buổi đầu đứng lớp của mình, cô Thảo cho biết, lớp 1 có 7 em học sinh. Gọi là lớp 1 nhưng có em nhỏ xíu, em thì cao lớn gần bằng cô giáo bởi đây là lớp học của học sinh khiếm thính, không quy định độ tuổi. Khó khăn lúc đó là không biết phải làm thế nào để các em nghe và hiểu được bài giảng của cô. Vậy nhưng bằng sự yêu nghề và tâm huyết với các em nhỏ kém may mắn, cô giáo Trần Thị Minh Thảo đã giúp cho rất nhiều lứa học trò khiếm thính trưởng thành nên người. Cô giáo Phạm Thị Thu Hương, đồng nghiệp cùng trường cho biết, cô Thảo là nhà giáo tâm huyết với trẻ khuyết tật. Cô rất nhiệt tình trách nhiệm với các em. Những em học sinh của trường đã ra trường, có gia đình, công ăn việc làm ổn định, đến thăm thầy cô, trong đó có những học sinh là cá biệt từng là học sinh của cô Thảo.

Công việc đang ổn định, nhưng dường như cuộc đời muốn thử thách nghị lực của cô giáo Thảo. Lập gia đình muộn so với bạn bè đã là thiệt thòi của cô nhưng đến khi mang thai đứa con đầu lòng, chị bất ngờ phát hiện khối u trong não. Mặc dù đau đớn và liên tục phải bấm huyệt giảm đau, khát vọng làm mẹ đã mách bảo chị quyết định giữ cái thai chờ đến ngày sinh nở. Lúc con gái cất tiếng khóc đầu tiên cũng là lúc chị bước chân vào phòng mổ. Sau 3 cuộc phẫu thuật nguy hiểm và căng thẳng thậm chí, các bác sĩ không dám chắc có thể giữ được tính mạng cho chị, nhưng bằng nghị lực cùng với sự động viên của gia đình các đồng nghiệp, niềm vui trong công việc đã giúp cô Thảo chiến thắng bệnh tật và vẫn đứng lớp dù việc điều trị bệnh vẫn kéo dài.

Thương học trò, mỗi ngày cô Thảo đều nỗ lực chăm sóc, dạy bảo, cố gắng giúp các con vơi đi khó khăn, thiệt thòi, vươn lên trong cuộc sống. Mỗi bài học đều được cô Thảo nghiên cứu, lựa chọn nội dung phù hợp với khả năng tư duy của trẻ. Cô Thảo đã cùng tập thể giáo viên của trường tự làm đồ dùng dạy học, tăng cường sử dụng đồ dùng, bài giảng điện tử giúp học sinh hiểu bài dễ hơn. Mỗi thành công của bài dạy, mỗi tiến bộ của các em đều được cô Thảo chia sẻ với cha mẹ để gia đình cùng đồng hành với nhà trường, giúp các em vượt qua khó khăn, bệnh tật, trưởng thành nên người.

Không chỉ nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và tình cảm quý trọng của các em học sinh khiếm thính, từ năm 2017 đến nay cô giáo Trần Thị Minh Thảo- Hiệu trưởng trường PTCS Hy Vọng còn được nhận nhiều bằng khen của TP. Hà Nội, Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật và Hội chữ thập đỏ quận Long Biên. Với cô, phần thưởng lớn nhất là chứng kiến sự trưởng thành của những đứa trẻ thiệt thòi. Bởi vậy cô mong các em có được sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa từ cộng đồng để các em có cơ hội sống tốt hơn.

Mời quý vị và các bạn nghe clip âm thanh :