Dịch Covid-19 gây đảo lộn tất cả, song đồng thời cũng tạo cơ hội bứt phá cho những việc trước đó mất rất nhiều năm chưa thực hiện được, như: làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, tự động hóa quy trình.... Tuy nhiên, không ít lĩnh vực vẫn còn hạn chế khi chuyển đổi số. Có tới 65-70% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, nếu không sẽ chết, thế nhưng không biết bắt đầu từ đâu, nguồn lực cần chuẩn bị cần những gì, chuyển đổi như thế nào khi cái cũ còn tồn tại....

Theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), để thành công trong việc chuyển đổi số sẽ có 3 thành tố chính, thứ nhất là thể chế, thứ hai là công nghệ và thứ ba là con người. Thể chế cần phải đi trước một bước. Những vấn đề về pháp lý cần phải mở đường cho việc ứng dụng, thử nghiệm những công nghệ mới được ứng dụng.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay trong tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số, chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749 phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân...