Vấn đề xây dựng nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em công nhân đã được quy định trong Bộ luật lao động và Luật công đoàn hiện hành. Tuy nhiên, hiện rất ít doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con công nhân với khung giờ ngoài giờ hành chính: đón trẻ sớm và trả muộn. Đây cũng là “góc nhìn” của ông Vũ Quang Thọ, nguyên viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn. “Tôi thấy ít khu công nghiệp có được những khu nhà trẻ tốt dành cho con công nhân. Nơi nào có nhà trẻ rồi thì phần lớn chỉ thực hiện trông trẻ theo giờ hành chính”, ông Thọ chia sẻ.
Xây dựng trường không phải là câu chuyện có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”. Để chia sẻ khó khăn, đồng thời đáp ứng nhu cầu của phụ huynh là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, thời gian qua, các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục đã linh hoạt trong việc “đón - trả” trẻ với mức phí trong khả năng chi trả của công nhân. Trường mầm non Sakura Hoa Anh Đào, ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội là một ví dụ. Bà Phạm Thị Duyên, Hiệu trưởng trường cho biết, cơ sở hiện có 110 trẻ, trong đó có tới 90% con em công nhân. “Chúng tôi hiểu đặc thù công việc của công nhân là phải đi làm ca, kíp. Có gia đình gửi con từ 5h30 sáng, nhưng cũng có người con từ đầu giờ chiều đến 10h đêm. Chúng tôi linh hoạt giờ đón - trả trẻ như một cách hỗ trợ người lao động”, bà Duyên chia sẻ.
Đề cập vấn đề này, chị Lê Thị Linh từ quê lên khu công nghiệp Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội làm công nhân cho biết, lương bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị phải chi tới gần 2 triệu/tháng cho việc gửi con ở một cơ sở mầm non tư thục. Theo chị, trước tình trạng “bão giá” thì đó là mức đóng hợp lý và trong khả năng tài chính của mình. Quan trọng hơn, đây là cách duy nhất có thể giúp chị quay trở lại nhà máy làm việc mà không phải xa con. “Con nhà em, lúc cháu 3 tuổi cho học ở đây nhưng khi em chuyển làm ca đêm, em phải giử cháu về quê nhờ ông bà chăm sóc. Đến khi con lên 5 tuổi, có thể gửi con sớm, đón muộn em mới đón con về đây”, chị Linh thổ lộ.
Tương tự, nếu không gửi con vào các cơ sở mầm non tư thục, có thể chị Nguyễn Thu Hường, công nhân công ty TNHH Canon Việt Nam cũng phải lựa chọn: gửi con về quê hoặc nghỉ làm, ở nhà trông con. “Công nhân chúng em đi làm theo ca. Nếu cho con học trường công, chúng em khong thể đưa đón theo giờ hành chính được. Vì thế nhiều phụ huynh chọn gửi con vào trường mầm non tư thục. Như em chẳng hạn, em đi làm ca 2, từ lúc 14h giờ đến 22 giờ. Nhà trường họ cho giáo viên đón con về nhà họ, rồi tối em đi làm về em qua nhà cô đón sau”, chị Hường cho biết.
Thực tế tại các khu công nghiệp cho thấy, không chỉ riêng chị Linh, chị Hường mà rất nhiều người lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc gửi con. Đứng trước lựa chọn: gửi con về quê hoặc gửi vào các cơ sở mầm non tư thục với giá cao hơn trường công, họ đành chấp nhận chi thêm một khoản nhỏ để vừa được gần con, vừa có thể đi làm.
Bà Phạm Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Sakura Hoa Anh Đào, ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội thừa nhận mức học phí của trường tư thục so với trường công có cao hơn một chút. Tuy nhiên, “khoản vênh” đó không lớn, trong khi trường mầm non tư phải phải gánh nhiều loại chi phí. Để có mức học phí tốt nhất, các trường đều phải linh hoạt trong việc điều hành hoạt động. Như tại Trường mầm non Sakura Hoa Anh Đào, trường thực hiện phân bổ giáo viên làm việc theo ca để đáp ứng nhu cầu gửi sớm, đón muộn của phụ huynh. “Giáo viên nào trực thì sáng đến sớm và trông học sinh, chiều được về sớm, giáo viên nào về muộn thì sáng hôm sau đến muộn. Về việc trông trẻ ngoài giờ, các cô chỉ thu thêm 10.000 đồng/giờ/trẻ. Đây là thỏa thuận giữa giáo viên và phụ huynh, nhà trường không thu thêm gì”, bà Duyên cho biết.
Hoạt động dưới hình thức nhóm trẻ tư thục, Nhóm trẻ Họa My, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng đồng cảm và chia sẻ với người lao động trên địa bàn. Bà Phạm Thị Yến, phụ trách nhóm trẻ này cho biết, giá cả các mặt hàng thời gian qua tăng chóng mặt. Tuy nhiên, mức học phí gần như không đổi, bởi các cô đều hiểu rõ tính chất công việc cũng như khó khăn của phụ huynh - những người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. “các cô trong nhóm trẻ Họa My đều coi việc phụ huynh gửi con sớm - đón muộn là bình thường, bởi phần lớn cha mẹ của trẻ gửi tại đây đều là công nhân”, bà Yến chia sẻ.
Thực tế cho thấy nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các trường mầm non công lập lại thiếu về số lượng. Giờ “đón - trả” trẻ cũng chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, bởi đặc thù công việc làm theo ca, kíp. Chính vì vậy, sự linh hoạt và chia sẻ của các trường mầm, các nhóm trẻ tư thục trong bối cảnh này là rất đáng ghi nhận.
Nghe bài viết dưới đây: