Nhìn chị Ngô Thị Huyền, cán bộ Hội Người mù huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đeo tai nghe, thao tác trên bàn phím, ít ai nghĩ chị là người khiếm thị. Chị Huyền cho biết, từ lâu chiếc máy tính và tin học là công cụ không thể thiếu trong công việc hàng ngày. Từ soạn thảo công văn, giấy tờ cho đến việc ghi chép biên bản các cuộc họp chị đều dùng máy tính thay cho việc ghi chép bằng chữ nổi trên giấy. Nhờ làm chủ được chiếc máy tính, chị Huyền còn có thể xóa nhòa khoảng cách giữa người khiếm thị và người sáng mắt. “Tin học giúp em có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Em giao lưu, học tập được nhiều điều từ bạn bè trên toàn thế giới”, chị Huyền thổ lộ.

Anh Nguyễn Viết Thương ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mất đi ánh sáng của đôi mắt từ lúc chào đời. Nhiều người từng nghĩ anh sẽ là gánh nặng của gia đình. Thế nhưng anh vẫn học và tốt nghiệp Trung học phổ thông như bao bạn trẻ khác cho đến khi nộp hồ sơ thi vào đại học, chuyên ngành công nghệ thông tin và bị từ chối. Lý do là vì nhà trường không đủ điều kiện về trang thiết bị để dạy cho người khiếm thị.

Anh Thương cho biết anh làm quen với tin học và máy tính từ năm 2005. Mục đích là để tìm cách nghe nhạc và tài liệu trên các trang mạng. Song càng tìm hiểu anh càng nhận thấy đây là nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại. Đó là lý do thôi thúc anh mày mò tự học. “Em thi đỗ đại học nhưng không được nhận nên tự học trên qua các diễn đàn về tin học. Khó khăn nhất với em là không có tài liệu chuyên môn dành cho người khiếm thị. Nhiều tài liệu em phải nhờ người sáng mắt đọc và sau đó nghiền ngẫm và thực hành trên máy. Rất vất vả”, anh Thương kể.

Cứ như vậy, sau hơn 10 năm làm quen với tin học, anh Thương đã làm chủ chiếc máy tính. Giờ đây, hàng ngày, ngồi tại nhà nhưng anh vẫn có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng bằng cách tạo ra các sản phẩm video clip trên youtube. Thậm chí, anh còn tìm hiểu và viết được một số phần mềm để hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ. Mới đây, một trong số những phần mềm ấy còn giành được giải Nhì cuộc thi Tin học dành cho người mù do Hội Người mù Việt Nam tổ chức.

Từ câu chuyện của anh Thương, chị Huyền cho thấy tin học, máy tính giống như một “công cụ” giúp người khiếm thị hòa nhập cộng, bước ra thế giới.