Chị Vũ Thị Hương gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng người có công Hà Nội đến nay gần 10 năm. Đó cũng là thời gian chị làm nghề công tác xã hội với công việc chính là chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho những người có công với cách mạng vào đây nghỉ dưỡng. Chị Hương chia sẻ công việc không quá nặng nhọc nhưng không đơn giản chút nào. “Các ông, các bà là những người rất đặc biệt, đã hy sinh một phần xương máu để đất nước có được hòa bình hôm nay. Vì thế, nhân viên đều coi các ông, các bà như người thân của mình, xưng hô lễ phép, khéo léo trong giao tiếp và phục vụ tận tâm”, chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Hương, chỉ khéo léo thôi là chưa đủ. Mỗi nhân viên của trung tâm còn phải là người có đạo đức và luôn tận tình với công việc. Bởi đối tượng chăm sóc không phải là “khách hàng” như các cơ sở nghỉ dưỡng khác. “Em học ở một trung cấp y ra. Ở trường, trước đây chỉ đào tạo cho em về chuyên môn. Khi vào đây làm, em phải học thêm cách giao tiếp với các cụ, nói năng làm sao lễ phép và phù hợp với từng trường hợp. Chẳng hạn, nhiều cụ nóng tính thì mình phải mềm mỏng, nhẹ nhàng. Thêm nữa, nhân viên nào cũng xác định phải đặt “cái tâm” lên hàng đầu. Vì ở đây, nhiều khi sức khỏe của các cụ có vấn đề thì mọi người cũng hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc. Có khi em chuẩn bị về các chị báo công việc đột xuất lại ở lại cùng các chị làm thêm việc phát sinh ngoài giờ. Nói rằng làm việc 8 tiếng/ngày nhưng nhiều khi làm 10 tiếng/ngày”, chị Hương chia sẻ.

Tâm niệm “đối tượng được chăm sóc” không phải là khách hàng nên chị Nguyễn Thị Thơm cũng luôn tìm cách làm hài lòng các ông, các bà khi về trung tâm nghỉ dưỡng. Từ miếng ăn, giấc ngủ đến lời ăn tiếng nói, chị đều cố gắng làm tốt nhất có thể để ngay cả những người khó tính nhất cũng thấy an vui khi đến đây. “Em tham gia nhiều mảng, từ chăm sóc về ăn uống cho đến thuốc men, đời sống tinh thần. Mỗi người một tính nên em luôn cố gắng trau rồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm để phục vụ các cụ, các bác tốt nhất. Em luôn tâm niệm phải cố gắng để các cụ, các bác không cảm thấy nơi đây xa lạ, mà luôn thấy gần gũi, ấm áp như chính gia đình mình”, chị Thơm cho biết.

Ngoài việc chăm lo “miếng ăn, giấc ngủ”, những người làm công tác điều dưỡng tại một số trung tâm dưỡng lão còn phải kiêm luôn cả việc giặt rũ, dọn phòng, thậm chí vệ sinh, tắm rửa. Bởi tại đây, một số cụ già yếu không còn khả năng tự chăm sóc cho bản thân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào nhân viên điều dưỡng. Anh Đỗ Xuân Thắng, nhân viên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết, công việc vất vả là thế nhưng đôi khi anh và các đồng nghiệp vẫn bị các cụ trách mắng. Nếu không đồng cảm và có cái tâm với nghề thì rất khó làm tốt công việc được giao. “Một số cụ trí nhớ suy giảm, trí tuệ không còn minh mẫn. Nhiều khi, nhân viên chăm sóc các cụ rất chu đáo nhưng vẫn bị các cụ chửi mắng, thậm chí có hành động xô gạt mình ra. Vì thế, để làm tốt công việc được giao, nhân viên phải có tình thương, thấu hiểu tâm lý người già”, anh Thắng tâm sự.

Gắn bó với Trung tâm điều dưỡng Orihome chưa lâu nhưng chị Nguyễn Thị Hà cũng đã đôi lần bị các cụ sinh sống tại đây trách mắng vô cớ. Song, thay vì phản ứng gay gắt, chị luôn tìm cách làm dịu cơn giận của các cụ bằng những lời nói và cử chỉ đầy thương yêu như ôm ấp, xoa bóp, nắm tay… Chị Hà chia sẻ, chỉ có tình thương và sự hiểu biết về tâm lý người già mới có thể giúp chị vượt qua những lúc như thế để mỗi ngày sau đó lại cố gắng làm tốt hơn công việc của một điều dưỡng viên.

Không chỉ vất vả, những người làm công tác xã hội tại các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão còn chịu nhiều thiệt thòi khi thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Dẫu vậy, với cái tâm và sự tận tụy với nghề, họ vẫn âm thầm cống hiến, góp phần tạo dựng một xã hội văn minh và phát triển./.

Nghe bài viết dưới đây: