Nghe chương trình tại đây:

Hãy cúi xuống nhặt rác

Mỗi năm một lần, tổ chức bảo vệ môi trường Let’s Do It! Hà Nội tổ chức ngày hội dọn rác hưởng ứng chiến dịch làm sạch thế giới - World Cleanup Day.

Nguyễn Ngọc Châm, tham gia cùng Let’s Do It! Hà Nội khi còn là sinh viên. Rồi Châm “nghiện” những hoạt động cộng đồng vì môi trường nên giờ đây khi đã đi làm, Châm vẫn tích cực đi dọn rác.

"Khi không nhặt rác thì việc mình vứt rác xuống đường hoặc là vứt nó chưa đúng vị trí thùng rác thì nó cũng bình thường thôi. Khi mình thực sự phải cúi xuống nhặt rác mình sẽ thấy khối lượng rác ôi thôi sao mà nó nhiều thế" - Châm nói. Nhặt rác đã thay đổi suy nghĩ của Châm, tạo dựng thói quen tốt trong cuộc sống của mình. "Vì mình đã cúi xuống nhặt rác rồi thì đừng bỏ rác bừa bãi".

Let’s Do It! Hà Nội được thành lập vào tháng 6/2018, thông qua hoạt động chính là cleanup (dọn rác), Let’s Do It! Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao ý thức của người dân về tình hình môi trường hiện nay, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa và xả rác bừa bãi ra ngoài môi trường.

Bốn năm liên tiếp tổ chức ngày hội Nhặt rác, đã có hơn 4 nghìn tình nguyện viên tham gia, 5 địa điểm được lựa chọn và 16 tấn rác được thu gom. Nguyễn Cẩm Tú - sáng lập và điều hành tổ chức cho biết, chiến dịch dọn rác là phong trào nhưng sẽ thật tự hào khi phong trào đó được duy trì và tác động đến hành động của nhiều người.

Thời điểm đầu tiên khi thực hiện chiến dịch này, đa số người tham gia là những bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên. Thế nhưng tới chiến dịch gần đây nhất vào năm 2023 và Let’s Do It! Hà Nội ghi nhận 50 % người tham gia là những người đã đi làm và các gia đình có con nhỏ.

"Bởi vì họ nhận thấy được tác động tích cực của hoạt động, họ tin tưởng họ tham gia và họ cũng muốn có dịp tham gia hoạt động ngắn trong ngày gắn kết các thành viên trong gia đình, trong công ty của mình mà còn vừa tạo được tác động tích cực cùng nhau trong môi trường nữa" - Tú chia sẻ.

Cẩm Tú cho biết thêm Singapore và Đài Loan đã thực hiện rất tốt việc biến phong trào nhặt rác thành thói quen cho người dân của mình. Theo Tú, dọn rác không phải là giải pháp có thể giải quyết triệt để vấn đề rác hiện nay bởi vấn đề này còn cần tới sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia của mọi đối tượng trong xã hội.

Thay đổi quan điểm cứ xả rác sẽ có người dọn rác

Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.

Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý.

"Nếu người dân không chủ động phân loại rác và xả rác không đúng nơi quy định, công nhân vệ sinh môi trường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển và thậm chí là tăng chi phí để xử lý rác thải" - chị Ngô Thanh Loan, Trưởng phòng Truyền thông tái chế, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết.

Khi rác trở thành gánh nặng với các đô thị lớn, môi trường sống bị đe dọa bởi rác nhựa một lần khó phân hủy, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm rằng: khi xả rác sẽ có người dọn rác. "Công nhân vệ sinh môi trường sẽ đối mặt với áp lực và khó khăn lớn hơn trong công tác thu gom, vận chuyển nếu người dân vẫn chưa nâng cao được ý thức trong việc đổ rác đúng chỗ, đúng thời gian và đúng nơi quy định" - chị Loan nói.

Phía Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, hiện nay công ty đã đưa vào sử dụng công nghệ GPS và hệ thống thông tin địa lý (GIS) được tích hợp vào các phương tiện thu gom rác để theo dõi và quản lý quá trình thu gom; Đầu tư các xe máy thiết bị hiện đại đáp ứng đảm bảo vận chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn không còn tồn đọng trong ngày. Trong giai đoạn tới, Urenco sẽ đầu tư thêm hệ thống dây chuyền tự động phân loại rác có khả năng nhận biết và tách các loại rác khác nhau, giúp tăng cường quy trình tái chế và giảm lượng rác đưa vào bãi chôn lấp.

"Năm 2024 chúng ta sẽ thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trước khi thực hiện điều đó thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, sau đó mới đến bước đúng loại rác" - chị Ngô Thanh Loan chia sẻ với VOV2.