Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Ô nhiễm rác nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nước ta đang phải đối mặt.

Trong khi đó đa phần người dân chưa có ý thức phân loại rác nhựa, khiến việc xử lý, tái chế gặp nhiều khó khăn, tình trạng ùn ứ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi giúp cho người dân ý thức được tác hại của rác thải nhựa, tiến tới nói không với túi ni lông, đồ dùng nhựa...là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Một trong những đối tượng hướng tới chính là trẻ em những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, giảng đường đại học- “tương lai” của đất nước.

Với mong muốn lan tỏa lối sống xanh, nâng cao nhận thức cho các em về thu gom, phân loại rác thải nhựa, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tạo được dấu ấn. Qua đó, góp phần lan tỏa ý thức phòng, chống rác thải nhựa, tích cực trồng cây xanh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cho thế hệ trẻ.

Một trong những phương pháp được các quốc gia tiên tiến như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Nhật Bản, Singapore...áp dụng hiệu quả là giáo dục trẻ bảo vệ môi trường ngay từ thuở ấu thơ. Tại các nước này, trẻ em sớm được rèn luyện thói quen phân loại rác thải nhựa, tích cực tái sử dụng, tái chế và trồng nhiều cây xanh.

Ở nước ta, nhiều mô hình sáng tạo cũng được thực hiện như chương trình “Đổi rác lấy cây” của Câu lạc bộ Nghệ thuật Hý Hoáy (Xuân Đỉnh, Hà Nội). Khi mang các loại rác nhựa đến như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, vỏ hộp sữa, các bạn nhỏ sẽ được quy đổi thành nhiều loại cây như: sen đá, cẩm nhung, ngọc ngân...

Cùng với đó, các bé còn được tham gia các hoạt động tái chế rác nhựa như chia sẻ của bé Đào Phương Thảo “Con lấy chai lavi cũ đã bỏ, tái chế thành một chậu cây. Con thấy đơn giản mà lại giúp ích cho môi trường”.

Còn bé Hà Minh Châu hào hứng chia sẻ “Tái chế rác nhựa vừa giúp bảo vệ môi trường vừa giúp trang trí nhà cửa độc đáo”.

Thông qua mô hình này, các con sẽ học được cách thu gom, phân loại và tái chế rác nhựa, hiểu được vai trò của cây xanh và vì sao phải bảo vệ môi trường sống. Đó cũng chính là điều những bậc phụ huynh như chị Nguyễn Thúy Quỳnh mong muốn con được trải nghiệm.

“Mình khuyến khích con thu gom rác nhựa để đổi lấy cây xanh, tạo dựng tình yêu môi trường từ bé cho các con” – chị Quỳnh cho biết.

Ống hút nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn, đồ uống đóng chai...đang tạo ra một lượng rác thải nhựa không nhỏ trong trường học. Thế nên theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống, học tập vì môi trường và cộng đồng cần tiếp tục tăng cường các chương trình ngoại khóa để các em học sinh nói không với rác thải nhựa, giảm thiểu rác nhựa một cách hiệu quả và thiết thực.

“Trường học có thể thực hiện những ngày hội đổi đồ, kiểm toán rác thải nhựa một ngày, một tuần, một tháng xem tạo ra bao nhiêu kg rác nhựa. Từ đó giúp trẻ hiểu được bất cứ đồ dùng gì sử dụng đều có tác động về môi trường” – bà Nguyệt chia sẻ thêm.

Bên cạnh mô hình “đổi rác lấy cây”, bà Đoàn Vũ Thảo Ly, Phó Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Cộng đồng mong muốn tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: tuyên truyển về phân loại rác thải nhựa; vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa; tổ chức các cuộc thi, ý tưởng sáng tạo về tái chế rác thải nhựa....

Đánh giá cao phong trào chống rác thải nhựa, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, vai trò của đoàn viên, thanh niên là vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường sống và cải thiện ý thức sống xanh đến mọi người.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định “Các bạn thanh niên với sự sáng tạo đổi mới sẽ tạo nên những nền tảng truyền thông mới, những cách tiếp cận mới trong truyền thông rác thải nhựa hiện nay”.

Những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Thế hệ tương lai của đất nước đang truyền đi thông điệp mạnh mẽ để cùng chung tay xây dựng lối sống xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa. Một khi, thói quen và nhận thức của trẻ em về bảo vệ môi trường được nâng cao, các em sẽ là “lực lượng nòng cốt”, góp phần thay đổi nhận thức cả một thế hệ trong công cuộc bảo vệ môi trường.