Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tỉnh Sơn La hiện có trên 5.000 ha đào do người dân trồng, là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng đào trồng. Ngày 13/1/2020, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát hành hàng chục nghìn tem dán cho cây đào người dân trồng để phân biệt với đào rừng. Riêng tại huyện Vân Hồ, hiện đã phát hành hơn 10.000 tem.

Chia sẻ về việc dán tem cho đào trồng, nhà báo Hoàng Trường Giang, Báo Quân đội nhân dân, một người sinh ra và lớn lên tại vùng Tây Bắc cho rằng: Cây đào có đặc điểm sống tại vùng quang đãng, đất dốc, chính vì vậy, rừng không phải là nơi sinh sống lý tưởng của loài cây này. Tên gọi “đào rừng” do những người buôn “đánh bóng thương hiệu” để đẩy giá lên cao. Hiện đào có mặt trên thị trường chủ yếu do người dân trồng. Đặc biệt những năm gần đây, vào dịp Tết, người dân chuộng “đào rừng” nên bà con dân tộc đã canh tác loài cây này. Đây cũng được xem là thu nhập chính của đồng bào vào dịp Tết. Do vậy, nếu dán tem cho đào, vô hình chung, người dân phải chịu thêm thủ tục, chi phí “hành là chính”.

Gia đình anh Sùng A Huy ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có hơn 3ha đất canh tác. 4 năm nay, gia đình trồng gần 3.000 gốc đào xen lẫn cây hoa màu. Đây là năm đầu tiên những gốc đào của gia đình anh cho thu hoạch, nhẩm tính, nếu “thuận buồm xuôi gió”, chừng đó gốc đào cho thu hoạch cả chục triệu đồng, thế nhưng kể từ khi nghe tin các cành, gốc đào phải dán tem mới được đưa ra thị trường, mọi việc đã không như dự tính. Những năm trước, mỗi gốc đào như của gia đình anh bán được từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng, thì nay, cũng với gốc đào như vậy nhưng thương lái lại chỉ trả 400 - 500.000 đồng. Giá đào hạ nhưng chi phí lại tăng lên vì phải trả tiền cho việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện theo quy định, mỗi chiếc tem dán vào cành hoặc gốc đào có giá 1.500 đồng. Bình quân, mỗi cây phải dán khoảng 10 tem, như vậy với gần 3.000 gốc và cành đào, gia đình anh Huy phải trả 10 triệu đồng tiền tem.

Chưa năm nào, vườn đào nhà anh Giàng A Lua và anh Lùng A Mùa ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ rơi vào cảnh ế ẩm và bị thương lái dìm giá như năm nay. Gần chục nghìn gốc đào nhà anh Lua và anh Mùa vẫn nằm im, nguyên nhân cũng chỉ vì những chiếc tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết nguyên đán nhưng chưa có thương lái nào đặt hàng vì anh chưa dán được tem cho đào trong vườn.

Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Trong số hơn 200ha đất trồng hoa màu có tới hơn 60ha được bà con trồng đào. Những năm qua, cây đào đã góp phần đáng kể cho công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã. Hiện trên địa bàn không có đào rừng, 100% đào được bán đều do người dân trồng. Việc dán tem cho đào không chỉ làm khó cho người dân mà còn khó cả cho cán bộ xã khi nhân lực thiếu, công việc lại nhiều.

Trong khi tỉnh Sơn La đang rốt ráo cho công tác dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào thì tỉnh Lào Cai lại khẳng định: Sẽ không truy xuất nguồn gốc cho cây đào. Theo lý giải của lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai, kết quả kiểm tra cho thấy tỉnh chỉ có đào trồng vườn nhà nên không cần truy xuất. Hơn nữa, Tết đang tới gần, nếu dán tem cho cây đào sẽ kéo theo thủ tục phức tạp và triển khai không kịp.

Vấn đề đặt ra là nếu tỉnh dán tem, tỉnh không thì sẽ làm khó cả cơ quan quản lý và người trồng vả cả tiêu dùng. Cùng một cành đào nhưng khi dán tem, giá chắc chắn sẽ cao hơn cành đào không dán tem, ảnh hưởng không nhỏ khi cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, hiện chưa có văn bản nào quy định chế tài xử lý đối với những cành không dán tem, nếu cơ quan chức năng phát hiện được, chắc chắn sẽ lúng túng.

Cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, đừng làm khó người trồng đào khi Tết đang cận kề.