Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 3/6, Quốc hội thảo luận về “Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”. Theo dự thảo nghị quyết, chương trình được thực hiện thí điểm trong vòng 5 năm kể từ tháng 9 năm nay tại 1/3 tổng số trại giam trong cả nước.

Theo thống kê cho thấy, hiện nay trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2; 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do; trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại có nhu cầu tìm việc làm. Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội nói chung, thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, từ thực tế đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc... tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội khóa XV ngày 3/6, đa số đại biểu đều nhận định rằng, việc thực hiện thí điểm mô hình “Tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” là hết sức cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH Bắc Kạn) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết giúp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Hiện có khoảng 150 nghìn phạm nhân đang chấp hành thi hành án, có tới 67% mới học hết cấp 1, cấp 2 và tới 4,7% người không biết chữ; 5% trước khi vào tù không có nghề nghiệp ổn định. Do đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm khi ra trại là rất lớn mà nếu không có sự hướng nghiệp, dạy nghề thì khi hoà nhập xã hội họ sẽ tự ti, khó kiếm việc làm và đứng trước nguy cơ tái phạm tội”

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, Bộ Công an tổ chức thí điểm lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo Quốc hội. Các điểm lao động đều được thiết kết theo mẫu, có tường rào, cách xa khu dân cư đã giúp đa dạng hoá ngành nghề, có nơi còn còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi.

Nhiều phạm nhân từ chỗ không biết làm gì nay đã có tay nghề, có người được tiếp nhận làm việc sau khi ra tù. Trước ý kiến e ngại về việc có thể ảnh hưởng an ninh, an toàn, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng băn khoăn này là đúng và do đó Bộ Công an cần tổ chức chặt chẽ, tuy nhiên không vì thế mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân.

“Việc cho phép thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là giải pháp quan trọng cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải tạo tốt để con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại, để họ sớm làm lại cuộc đời” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Có thể nhận thấy, đây là một chính sách nhân văn. Tuy nhiên các ĐBQH cho rằng cần phải thận trọng hơn, quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trại giam. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và tính khả thi trong thực tiễn.

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn ĐBQH Thanh Hóa), về phạm vi điều chỉnh ,dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề. Ví dụ, trường hợp phạm nhân tham gia lao động với mục đích là được học nghề hướng nghiệp thì cơ chế thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, khi nào thì chuyển sang lao động có trả công. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam, các quyền của phạm nhân được đảm bảo như thế nào.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn ĐBQH Tây Ninh) cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân. Đại biểu nhấn mạnh, dù thí điểm nhưng cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Các đại biểu cũng lưu ý khi tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân cần ưu tiên lựa chọn ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật, có công nghệ phù hợp, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.

Theo đại biểu Lê Nhật Thành, đoàn Hà Nội, một yếu tố quan trọng nữa là cần khuyến khích xã hội hóa: “Tôi cho rằng cần có thêm cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam lao động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước với những đối tượng đặc thù trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động này giảm gánh nặng cho Nhà nước” - Ông Lê Nhật Thành nêu kiến nghị.

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội nói chung, thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, thực hiện mô hình “Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” là cách hữu hiệu tạo thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới, giúp con đường tái hòa nhập cộng đồng, con đường trở về nhà của họ được rút ngắn lại.