Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá trình Quốc hội gồm 7 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản thi hành.

Theo quy định tại dự thảo, biển số xe để đấu giá có nền màu trắng, chữ và số màu đen. Biển số xe để đấu giá là những biển chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Sau khi nghiên cứu, các đại biểu đều cho rằng đây là chủ trương đúng, vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, thậm chí còn hạn chế được tiêu cực. “Tôi nhận thấy, ở một số nước, trong các kho số quốc gia, không chỉ kho số về biển số xe ô tô, họ đều coi là tài sản quốc gia. Họ khai thác để đạt mục đích ích nước lợi nhà”, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng nêu dẫn chứng.

Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang cũng khẳng định, chủ trương thí điểm đấu giá quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô sẽ đem lại lợi ích kép: “Việc đấu giá sẽ đạt được 3 mục tiêu, đó là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, phòng chống tiêu cực trong việc cấp biển số xe, đồng thời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân muốn sở hữu những biển số xe ô tô theo ý muốn”, ông Sinh phân tích.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ, như mức giá khởi điểm. Theo dự thảo, vùng 1, gồm Hà Nội và TP HCM, giá khởi điểm là 40 triệu đồng và vùng 2, gồm các địa phương còn lại, giá khởi điểm là 20 triệu đồng. Quy định như vậy, theo nhiều đại biểu là chưa rõ căn cứ. “Tôi không biết mức giá khởi điểm 40 triệu cho vùng 1 và 20 triệu cho vùng 2, ban soạn thảo căn cứ vào đâu?”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến, đoàn An Giang chia sẻ.

Một trong những mục đích của chủ trương thí điểm đấu giá quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô là tăng nguồn thu cho ngân sách. Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn Hải Phòng cho rằng cần phải quy định rõ số tiền thu được sẽ do đơn vị nào quản lý và được sử dụng như thế nào cho hiệu quả. “Tôi thấy chưa quy định rõ số tiền thu được từ việc đấu giá sẽ chuyển vào đâu, sử dụng như thế nào? Tôi thấy một số nước, họ thu được tiền từ các khu bảo tồn, họ sẽ dùng để chi lại cho công tác bảo tồn. Việc này của mình cũng tương tự, mình cần quy định rõ”, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm.

Vấn đề quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. “Đấu giá xong, người trúng đấu giá có quyền và nghĩa vụ đăng ký biển số ở công an nơi họ thường trú hay đăng ký ở nơi công an cấp biển số? Đây là vấn đề tôi chưa rõ”, đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang băn khoăn.

“Theo quy định tại dự thảo, người trúng đấu giá có quyền thừa kế, chuyển tặng cho người tiếp theo. Tuy nhiên, được thừa kế, được tặng… không được phép cho, tặng nữa. Lý do là tuổi xe ô tô có hạn, biển số chỉ là vật phụ gắn với ô tô. Tôi thấy đây là vấn đề cần phải nghiên cứu, tính toán để quy định sao cho hợp lý, sát thực tế hơn”, đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề.

Mong muốn sở hữu biển số “đẹp” của người dân là nhu cầu có thật. Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là việc cần làm. Tuy nhiên, để chủ trương này khi triển khai đem lại hiệu quả, rất cần các đại biểu nghiên cứu kỹ, để Nghị quyết được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp này.

Nghe bài viết dưới đây: