Theo tư liệu lịch sử, chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, bắt đầu từ 17h ngày 26/4/1975. Quân chủ lực từ 5 hướng có nhiệm vụ tiến vào đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng nhất đó là: Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và dinh Độc Lập

Sau hơn 4 ngày thực hiện “thần tốc, táo bạo", 11h30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tuy là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam, chỉ diễn ra trong vòng hơn 4 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975), song đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, để lại nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc.

Trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh, sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, giúp cho chiến dịch giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất, triệt để nhất và giữ được Sài Gòn còn khá nguyên vẹn khi kết thúc chiến tranh. Thời gian đã lùi xa 49 năm, nhưng bài học về kết hợp giữa nổi dậy với tiến công, tiến công với nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiếu tướng, PGS TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự phân tích: “Có thể nói sự kết hợp giữa ba thứ quân là nét đặc sắc nhất trong chiến tranh nhân dân ở VN. Nhiều nước trên thế giới cũng nói về chiến tranh nhân dân nhưng chưa ở đâu chiến tranh nhân dân lại phong phú như vậy. Bộ đội chủ lực của ta chỉ tác chiến trên mặt trận chính diện, hỗ trợ cho lực lượng địa phương, còn việc giữ đất, giữ làng là do lực lượng địa phương và nhân dân đảm nhiệm. Trong chiến dịch HCM, nhiều vùng là do nhân dân và lực lượng địa phương giải phóng chứ không phải do quân chủ lực. Chiến dịch Hồ Chí Minh là cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đó là nét đặc sắc nhất”.

Ngay cả cái tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Theo các tư liệu lịch sử, ban đầu chiến dịch này có tên là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Tại căn cứ Lộc Ninh ngày 8/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch đã họp và đề xuất đổi tên thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Và đến ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam lúc đó đã gửi bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch với nội dung “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Đại tá PGS TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Chiến dịch đổi tên thành chiến dịch HCM để chúng ta tri ân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người luôn đau đáu với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những người lính của QĐNDVN đều mong muốn trong chiến thắng cuối cùng này có hình bóng của Người. Có thể nói, việc đổi tên thành Chiến dịch HCM như một hồi kèn xung trận, động viên khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ. Sự có mặt của Bác, dù Người không còn nữa, trong trận quyết chiến cuối cùng vừa là thể hiện tình cảm, vừa là liệu pháp tinh thần cho tất cả những người tham gia ở chiến trường”.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thêm 1 lần nữa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một đảm bảo để đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Đây là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính nhờ Đảng huy động được sức mạnh của toàn dân đánh giặc mà cả 3 thứ quân đã cùng lực lượng chính trị kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự với sự nổi dậy của quần chúng với phương châm "toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.

Để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã linh hoạt và sáng tạo trong xây dựng chiến lược và sử dụng chiến thuật. Có rất nhiều mật lệnh được truyền đi, đặc biệt tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, hay mật lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giây xốc tới chiến trường, quyết chiến và toàn thắng”.

Đại tá PGS TS Trần Ngọc Long cho rằng, mật lệnh được truyền đi vừa như một hồi kèn xung trận vừa như một lời động viên khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và tất cả nững người tham gia nơi chiến trường: “Đó là chỉ thị của Bộ chỉ huy thống soái đối với chiến sĩ trên toàn chiến trường. Mật lệnh được truyền đi vừa như một hồi kèn xung trận vừa như một lời động viên khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và tất cả nững người tham gia nơi chiến trường. Đây cũng có thể coi là một văn kiện quân sự quan trọng nhưng cũng là một thông điệp của lương tâm, thúc giục, động viên tinh thần của toàn dân và quân ta. Đây cũng là tư tưởng của Bác về tranh thủ thời cơ mà vị tổng tư lệnh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được”.

PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân bao trùm: nhờ có đường lối đúng đắn, Đảng đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, sức mạnh của 2 miền Nam – Bắc và sức mạnh đoàn kết quốc tế. Ông cũng cho rằng, ngày nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục được duy trì, củng cố bảo đảm ngày càng bền chặt. Đoàn kết phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài. Cần phải làm cho mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên luôn trở nên trong sạch thì mới có thể đảm đương được vai trò hạt nhân nòng cốt xây dựng tình đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào các nhiệm vụ chiến lược.

Thời gian đã lùi xa gần 50 năm, nhưng bài học về kết hợp giữa nổi dậy với tiến công, tiến công trong hành tiến của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những ngày kỷ niệm trọng đại này là dịp để chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, của các thế hệ cha anh trong Thời đại Hồ Chí Minh. Càng tự hào chúng ta càng cần tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu, mạnh.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: