Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Theo Luật sư Trần Ngọc Trang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, người lao động muốn được hưởng chế độ thai sản cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Để hưởng chế độ này, người lao động nữ phải đáp ứng những điều kiện trên. Tuy nhiên thực tế không ít người trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội mà sinh con hoặc nhận con nuôi chưa hiểu rõ các quy định cũng như quyền lợi của mình. Chị Dương Thị Hương, người lao động nữ ở Quận 3, TP HCM chia sẻ kinh nghiệm:

“Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Không ít người chỉ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên có những lầm tưởng về điều kiện hưởng. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất...Trong khi đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất. Như vậy, chỉ khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do công ty đóng thì người lao động nữ mới được hưởng chế độ thai sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Em cũng mong muốn sau này Bảo hiểm xã hội tự nguyện có thêm chế độ về thai sản, ốm đau...để người lao động như chúng em yên tâm làm việc và có thêm khoản chi phí khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ” - chị Lan Anh, người lao động ở Việt Trì, Phú Thọ chia sẻ.

Hiện đang có sự tương phản trong quy định về quyền lợi của người tham gia giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bà Ngô Thị Ngọc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho rằng, quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản làm giảm sự hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này.

“Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng 2 quyền lợi là hưu trí và tử tuất. Mà những cái đó thì xa vời, không nằm trong tầm tay, người lao động không được hưởng ngay, không đáp ứng được mong muốn của người lao động di cư” – bà Ngọc Anh khẳng định.

Quyền lợi thai sản khi sinh con là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội mà người lao động nữ được hưởng khi đóng đúng và đầy đủ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo các chuyên gia, để phát huy chính sách thiết thực và giàu tính nhân văn này, cần thêm quyền lợi về chế độ thai sản cho lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Qua đó góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có cuộc sống ổn định về tài chính, sức khỏe và tinh thần trong giai đoạn sinh con và nuôi con nhỏ./.