Trong khi tình hình dịch tại TP. HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước vẫn còn vô cùng phức tạp thì tại thủ đô Hà Nội, các ổ dịch mới với các chùm ca bệnh đã xuất hiện, số ca mắc Covid-19 tăng lên khá nhanh. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đã đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay ở mức độ nghiêm trọng hoặc thậm chí rất nghiêm trọng. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đến thời điểm hiện tại biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 như chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh.

Từ ngày 18/7 đến ngày 25/7, thành phố đã bắt đầu rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa rõ nguyên nhân, nghi ngờ mắc Covid-19 mà không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xét nghiệm sàng lọc 10.000 người thuộc nhóm nguy cơ tại cộng đồng. Nhân viên y tế lấy mẫu dịch tỵ hầu, gộp 10 mẫu, chuyển Trung tâm kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm Covid-19.

Hà Nội cũng đã triển khai xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 trên diện rộng trong cộng đồng đối với những người có nguy cơ cao. Khẩn trương rà soát, xác minh người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội chống dịch. Tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR gộp mẫu thực địa, hoặc test nhanh kháng nguyên, cách ly tại nhà đủ 14 ngày, sau khi về từ địa phương có dịch.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe buýt, bán vé xe buýt trên địa bàn thành phố, nhân viên ngành đường sắt…Từ thực tế diễn biến dịch bệnh hiện nay, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng phương án rát soát, xét nghiệm của Hà Nội là cần thiết. "Từ kết quả rà soát cho thấy các đối tượng cao lại phát hiện các ca mắc rất thấp, đây là một điều đáng mừng cho thấy dịch vẫn chưa lan rộng và vẫn trong tầm kiểm soát. Và đây là việc làm vẫn cần phải tiếp tục thực hiện"- theo PGS Nguyễn Viết Nhung.

Ngoài phương án này, Hà Nội còn có những hành động gì nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch Covid-19? Ông Khổng Minh Tuấn- PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) cho rằng, để dập dịch còn cần phải triển khai 2 công việc cơ bản, đó là phát hiện thật nhanh các trường hợp F0, bên cạnh đó, truy vết nhanh các trường hợp tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly. Hiện CDC Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 500.000-600.000 liều vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ và sẵn sàng triển khai tiêm trong tuần này.

Kế hoạch bảo vệ các khu công nghiệp của Hà Nội cũng đã được triển khai tuy nhiên, nguy cơ cao hơn đang xuất hiện ngoài cộng đồng, vì thế các hoạt động đều đang được thực hiện song song.

Để ứng phó với Covid-19 trong các tình huống xấu hơn, thành phố Hà Nội đã lên kịch bản sẵn sàng ứng phó. “Lực lượng y tế dự phòng ứng trực tất cả các thời gian trong ngày và trong tuần để ngay lập tức thực hiện nhiệm vụ khi cần. Năng lực xét nghiệm hiện nay của Hà Nội có thể đáp ứng từ 20.000-50.000 mẫu. Đồng thời, tích cực truyền thông tới từng người dân để nâng cao ý thức phòng chống dịch”- ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, Hà Nội nên điều phối và sử dụng nhân lực y tế hợp lý trong công tác điều trị các ca bệnh Covid-19 để tránh bị động trong các tình huống nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. “Đặc biệt chú trọng vai trò của hệ thống tế dự phòng tức là hệ thống CDC các tuyến. Thực tiễn cho thấy có thể giao cho đội ngũ y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế tư nhân cùng chính quyền và các ban ngành đoàn thể kết hợp nguồn lực sẵn có của người dân để quản lý và theo dõi ngoài bệnh viện (tại nhà, khu cách ly tập trung, khách sạn, dã chiến,…) khoảng 84% số người nhiễm không triệu chứng hoặc rất nhẹ. Còn hệ thống bệnh viện chỉ cần chịu trách nhiệm cho khoảng 16% bệnh nhân thực sự mức độ trung bình, nặng và nguy kịch thì mới đáp ứng được yêu cầu giảm biến chứng giảm tử vọng. Ứng dụng công nghệ thông tin, bản đồ hóa, kết nối dữ liệu điều phối trung tâm để 2 hệ thống hoạt động nhịp nhàng như bình thống nhau làm cân bằng và hiệu quả”- PGS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

“Bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân là trên hết” đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc mới đây với Thành ủy Hà Nội về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Và có thể nói, vai trò của người dân trong phòng chống dịch bệnh cũng vô cùng quan trọng, trong đó không thể không nhắc tới ý thức phòng chống dịch.

Tuy nhiên, dường như tâm lý người dân Hà Nội vẫn còn khá mâu thuẫn bởi trong những ngày đầu giãn cách, chúng ta đã chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ vì lo lắng thế nhưng lại vẫn nườm nượp đi tập thể dục ngoài trời một cách “vô tư”.

PGS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, việc đi tập thể dục quá đông ở ngoài trời vào giai đoạn này rất nguy hiểm và người dân cần suy nghĩ một cách cẩn trọng. Còn việc tích trữ quá nhiều thực phẩm, ông Nhung cho rằng, thực sự không cần thiết vì thành phố Hà Nội và ngành công thương đã cam kết đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu cho người dân.

Tuy nhiên, đối với việc nhiều gia đình tự tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ bình oxy, đề phòng tình huống xấu. PGS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua máy tạo oxy. "Đây là việc không cần thiết. Cụ thể, bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế", PGS.TS Nhung nhận định. Đây là loại máy không dễ sử dụng, cần đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về nó để sử dụng đúng cách thì mới mang lại hiệu quả tốt. Người dân chỉ nên dùng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Theo phân tích của các chuyên gia y tế, mặc dù công tác chống dịch hiện nay được triển khai rất quyết liệt, cùng với đó là chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước, đặc biệt là tại các vùng có dịch, tuy nhiên, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang lây lan rất mạnh dẫn đến số lượng bệnh nhân tăng nhanh và các trường hợp F1 có thể sẽ lên đến hàng trăm nghìn người. Chính vì vậy, để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra khi dịch Covid-19 lan rộng, việc tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế là một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất hiện nay mà người dân cần thực hiện.