Liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà cao tầng, cháy nhà trọ, cháy cửa hàng kinh doanh kết hợp cho thuê trọ…gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người trong thời gian vừa qua là những hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ…

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, sự cố hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ thuộc phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa qua thực sự rất thương tâm và là nỗi đau rất khó nguôi ngoai. Nhưng cũng chính qua những mất mát ấy là lúc để các cơ quan chức năng nhìn nhận lại vấn đề và xây dựng được những chính sách, những quy định sức phù hợp giải quyết một vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Có thể thấy trong những năm gần đây, dân số ở các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gia tăng nhanh hàng năm. Tỷ lệ gia tăng không chỉ nằm trong nhóm dân số được quản lý thường trú cố định, mà còn có một lượng lớn sinh viên, lao động tự do cũng tập trung về đô thị để học hành, mưu sinh. Từ đó kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao, trong khi nguồn cung mới sản phẩm nhà trong luôn trong tình trạng khan hiếm.

Ông Trịnh Xuân An cho rằng, nhu cầu thực là rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế xã hội, rồi về khả năng để sinh viên hay người lao động nghèo có thể mua được một căn chung cư hay kể cả nhà ở xã hội là rất khó.

“Dù vẫn biết nguy cơ xảy ra cháy nổ ở những khu nhà trọ là rất cao nhưng họ cũng không có cách nào khác. Cho nên điều mà chúng ta trăn trở là làm sao để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra và nếu xảy ra hỏa hoạn thì cần phải hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản”, ông An phân tích.

Trước thực tế này, ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh "phòng hơn chống" nên khâu phòng ngừa cần được ưu tiên, bắt đầu từ chính việc nâng cao ý thức người dân.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền, lực lượng chức năng phải có trách nhiệm rà soát những khu vực có nguy cơ cao để kiểm soát một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, yêu cầu trang bị bình cứu hỏa, bố trí cầu thang và lối thoát hiểm.

Trong báo cáo vừa gửi UBND TP Hà Nội về kết quả tổng rà soát nhà trọ trên địa bàn sau vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính khiến 14 người tử vong hôm 24/5, UBND quận Cầu Giấy chỉ ra hàng loạt số liệu đáng lo ngại về việc chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy đối với loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn.

Thống kê của quận cho thấy địa bàn có 3.328 cơ sở nhà trọ, tăng 213 cơ sở so với năm 2023. Trong số này, có đến 1.513 công trình là nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ.

Sau khi tiến hành tổng rà soát, đơn vị chức năng của quận cho biết có gần 3.200 cơ sở nhà trọ không đảm bảo ngăn cháy lan, không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; trên 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn và gần 3.000 cơ sở có hệ thống báo cháy không đảm bảo...

Nhìn con số thống kê của một quận để thấy rằng, chúng ta đang nợ loại hình nhà trọ một chính sách và đặt loại hình nhà ở này ra ngoài lề của sự phát triển đô thị. Đó cũng chính là khoảng trống pháp lý cần phải lấp đầy.

“Nếu không có nhà trọ như hiện nay thì không hiểu bao nhiêu con người, nhất là người lao động rồi những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi thuê nhà ở tốt hơn, đảm bảo hơn thì thì họ ở đâu và cả những vấn đề liên quan đến xã hội sẽ giải quyết thế nào…”. Bởi vậy theo ông Trịnh Xuân An, muộn còn hơn không, đã đến lúc cần phải luật hóa, có những chính sách phù hợp với loại hình nhà ở này. Chính quyền phải có biện pháp xử lý mạnh tay. Nếu rà soát trên địa bàn phát hiện nơi có nguy cơ cháy nổ cao, đe dọa tính mạng người dân và không có lối thoát, phải cưỡng chế yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát nạn.

Với các trường hợp kết hợp cho thuê nhà ở với sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề hay loại công việc có nguy cơ cháy nổ cao như pin sạc, ắc quy; hay khi kinh doanh nhà hàng ăn uống phải dùng bếp gas để nấu thức ăn, cần phải đánh giá kỹ tác động để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế nhằm ngăn ngừa và dập tắt rủi ro gây chết người…

Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, đang xem xét sửa Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ông An cho rằng, cách đây vài tuần, khi thẩm tra dự luật này, cá nhân ông đã đề cập câu chuyện phải rà soát lại quy định về phòng cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh. Ông Trịnh Xuân An cũng đề nghị, bên cạnh quy định chặt chẽ trong luật, quan trọng nhất vẫn là đề cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm của cá nhân, của mỗi người dân trong phòng cháy.

Về giải pháp lâu dài, cần phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần tình trạng thuê trọ, ở trọ tự phát như hiện nay.