Nước là nguồn tài nguyên quý giá, là một trong những thành phần cơ bản của sự sống và cần thiết đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nước không phải là tài nguyên vô tận. Nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời giúp người dân phòng tránh dịch bệnh, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên lồng ghép truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường khi triển khai các hoạt động nhân đạo.

Tại Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, sau lễ chào cờ vào thứ Hai đầu tuần, hơn 900 học sinh chăm chú lắng nghe và không ngại tương tác với cán bộ Hội Chữ thập đỏ. Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc với những câu hỏi được học sinh đặt ra như: nước sạch là gì? nước sạch có vai trò như thế nào đối với sự sống? cần làm gì để bảo vệ nguồn nước?... Sau khi được giải đáp, học sinh có thêm hiểu biết về nước sạch cũng như vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên nước. “Trước đây, cháu chỉ biết sơ sơ về nguồn nước thôi. Giờ cháu mới biết rõ nước sạch là nước trong suốt, không mùi, không vị,… Hàng ngày, mình cần nước sạch để sử dụng cho nấu ăn, tắm giặt, rửa rau…”, Trương Ngọc Liên, học sinh lớp 11A6 chia sẻ.

Hiểu được vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống con người, Trương Ngọc Liên đã tự hứa với bản thân sẽ có những hành động thiết thực để chung tay bảo vệ nguồn nước. “Để bảo vệ nguồn nước, chúng ta không được xả rác ra môi trường, không sử dụng nước bừa bãi. Cháu sẽ tuyên truyền cho người dân, nhất là các em nhỏ về lợi ích của nguồn nước sạch và những hành động nhỏ mà mỗi người có thể làm để bảo vệ nguồn nước”, Liên cho biết.

Nhờ có buổi truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường, Nguyễn Cẩm Thơ, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cũng hiểu hơn vai trò của nước sạch với cuộc sống. Thơ còn bất ngờ về chất lượng nguồn nước ngầm tại địa phương, đồng thời hiểu rõ vì sao bố mẹ phải mua thiết bị lọc nước cho gia đình. “Nước ngầm ở quê cháu có hàm lượng can-xi cao, nếu sử dụng trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có lẽ vì thế nên bố mẹ cháu phải mua máy lọc nước phục vụ cho sinh hoạt, mua nước sạch về sử dụng cho việc ăn uống”, Thơ cho biết.

Nguyễn Cẩm Thơ cho rằng, bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm không của riêng ai. Vì thế, không chỉ thực hành lối sống xanh, em sẽ mạnh dạn lên án những hành động gây hại cho môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. “Cháu nghĩ muốn bảo vệ nguồn nước sạch thì tất cả mọi người phải cùng hành động. Cháu sẽ góp ý với những người có hành vi xả rác ra môi trường”, Thơ chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ các dự án nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn lồng nghép hoạt động truyền thông về vệ sinh cá nhân, nhất là việc rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Như tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, khi tới nhận tiền để khắc phục hậu quả của bão Yagi, bà Đào Thị Thơ và người dân địa phương được hướng dẫn về cách rửa tay đảm bảo vệ sinh. “Để đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, mình phải rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn, khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là thói quen mới của tôi từ khi được nghe cán bộ Chữ thập đỏ truyền thông”, bà Thơ cho biết.

Cứ như vậy, bằng cách lồng ghép hoạt động truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường khi triển khai các hoạt động nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của người dân các địa phương vào việc bảo vệ nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh.