Một chủ trương đúng

Tại quyết định số 2060/QĐ-TTg ban hành ngày 12/12/2020 của Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhin đến năm 2045”. Theo đó, trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, người điều khiển xe máy dưới 50cc hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4KW sẽ được đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Rất nhiều người đồng tình với chủ trương này và coi đây là việc cần làm ngay.

Nhà báo Phạm Ngọc Thủy, Tạp chí Kinh tế Nông thôn cho rằng, lẽ ra chúng ta phải ban hành quy định này sớm hơn. Bởi thực tế, đối tượng sử dụng 2 loại xe này phần lớn là học sinh, nhiều em chưa có kỹ năng tốt về điều khiển xe, chưa chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Do vậy theo nhà báo Phạm Ngọc Thủy, để đảm bảo an toàn, rất cần phải thực hiện đào tạo, sát hạch bài bản với nhóm đối tượng này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng nhất trí với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh: “Xe máy có dung tích xilanh dưới 50cc và xe máy điện có công suất dưới 4KW nhìn tưởng là nhỏ, nhưng có thể đạt tốc độ khá cao, nhất là xe máy điện khả năng tăng tốc nhanh nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông không kém gì các loại xe phân khối lớn hơn nếu như người điều khiển không vững về kỹ năng điều khiển”.

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người dân chỉ cần đủ 16 tuổi trở lên là đã được phép điều khiển các loại phương tiện này mà không có bất cứ quy định nào khác liên quan đến năng lực lái xe hay nhận thức về pháp luật an toàn giao thông. Trong khi đó, theo một con số thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, có tới 90% số vụ tai nạn giao thông trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16 đến 18 tuổi. Đây là con số đáng báo động bởi phần lớn học sinh độ tuổi này điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện. Vì vậy đã đến lúc chúng ta cần quy định chặt chẽ hơn về 2 loại phương tiện này.

Tuy nhiên, cũng còn có ý những kiến băn khoăn. Để hiện thực hóa chủ trương này liệu có khó? Có phát sinh thêm nhiều thủ tục, chi phí? Rồi, việc cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này liệu có giúp giảm thiểu tai nạn giao thông? Làm thế nào để những tấm bằng là thực chất, chứ không chỉ là thủ tục, không chỉ để đối phó?

Cần một lộ trình hợp lý

Có thể thấy việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe dưới 50cc và xe máy điện là một chủ trương đúng. Nhưng theo các chuyên gia về an toàn giao thông, để thực hiện được cũng còn nhiều thách thức và cần một lộ trình hợp lý.

Bởi lẽ, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có tới hàng triệu xe gắn máy dưới 50cc, chưa kể đến xe điện dưới 4KW. Trong khi cả nước chỉ có hơn 600 cơ sở đào tạo lái xe và 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan nhà nước quản lý. Chính vì vậy, thực hiện việc đào tạo sát hạch nếu không tính toán kỹ sẽ gây quá tải và dẫn đến những tiêu cực.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cấp giấy phép lái xe cũng sẽ dẫn đến phát sinh chi phí không nhỏ. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thanh, dù có tốn kém cũng vẫn phải làm để đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng con người.

“Biện pháp can thiệp kỹ thuật, hạn chế tốc độ tối đa, chẳng hạn như xe dưới 50cc chỉ hạn chế ở 40km/h, còn xe máy điện là 30km/h sẽ là một cách khá hữu hiệu để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông” – Ông Nguyễn Văn Thanh hiến kế.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, để tránh lãng phí và giảm bớt các thủ tục khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... chúng ta cần đưa chương trình giáo dục về an toàn giao thông vào chương trình học chính thức ở tất cả các cấp học từ tiểu học trở lên thay vì chỉ là lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề thưa thớt như hiện nay.

Nếu làm tốt việc này chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt áp lực, thậm chí căn cứ vào chương trình học để tiến hành cấp giấy phép lái xe khi học sinh đạt đủ tiêu chuẩn như một môn học bắt buộc và hơn nữa coi đây là một kỹ năng cần thiết cho học sinh.

Nghe âm thanh tại đây: