Việt Nam hiện có hơn 100 triệu tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok… Không thể phủ nhận, mạng xã hội là một trong những giải pháp công nghệ hữu hiệu và tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, mua bán hàng trực tuyến. Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam trong năm 2024 đạt 650 ngàn tỷ đồng tương đương khoảng 25 tỷ USD. Tuy nhiên, mua bán hàng online tại nước ta gần đây có những diễn biến phức tạp, nguy cơ lộ, lọt dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế. Đó cũng chính là lý do Bộ Công thương mới đây khi xây dựng Luật Thương mại điện tử đã đưa ra đề xuất “thực hiện định danh người bán hàng online” nhằm tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch mua bán trực tuyến.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, việc mua bán trực tuyến, thương mại điện tử tạo rất nhiều thuận lợi cho cả người bán và người mua, thời gian mua bán linh hoạt, lựa chọn thoải mái, tiết kiệm thời gian lại cạnh tranh giá cả, tính cập nhật cao. Bên cạnh đó, việc thanh toán cũng tiện lợi, không dùng tiền mặt. Điều đang nói hơn là về mặt xã hội đây còn là sự trải nghiệm thương mại, mở rộng quan hệ thương mại giữa bên bán và bên mua, là xu thế tất yếu của xã hội công nghệ.

Tuy nhiên, dù rất tiện, nhưng việc mua hàng trên mạng thông qua các nền tảng trực tuyến đa số người mua đều dựa trên niềm tin mà ít có cơ sở để kiểm chứng. Nhiều người bán hàng online lợi dụng niềm tin đó cùng rất nhiều chiêu trò khiến người mua lâm vào cảnh “cắn răng” chịu mất tiền mà không biết kêu ai. Thực tế hàng ngày chúng ta gặp không ít trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, thậm chí còn có những đối tượng “treo đầu dê bán thịt chó”, hoặc nhận tiền đặt cọc rồi bặt lặn mất tăm khiến cho không ít khách hàng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Mỗi năm lực lượng chức năng đều phát hiện, xử lý hàng ngàn vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, vi phạm trên không gian mạng. Việc kiểm soát người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước.

"Để xảy ra tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán hàng, dẫn đến nhiều kẻ xấu lợi dụng. Những tiêu cực từ mua bán trực tuyến vì thế ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội", ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Liên, trong bối cảnh như vậy, việc xác thực, định danh tài khoản đối với người bán hàng là cần thiết, không những góp phần tạo môi trường thương mại điện tử minh bạch mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nữa, bởi khi tạo được sự tin cậy giữa người bán và người mua sẽ tạo động lực để phát triển thương mại điện tử. Quan trọng hơn nữa từ đó sẽ tạo ra môi trường văn minh số.

Hiện nay để minh bạch hóa môi trường thương mại điện tử, bán hàng online đã có đề xuất định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID. Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, thực hiện việc này sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng hoàn toàn khả thi. “Nếu quyết tâm thực hiện chúng ta sẽ xây dựng được các giải pháp cả về hành chính và giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, mọi công cụ, quy định sẽ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người bán và cả người mua hàng để tạo sự tin cậy trong giao thương trên online, bởi đó là yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển thương mại điện tử”.

Ông Vũ Hoàng Liên khuyến cáo về phía người mua hàng online cần thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của mình khi phát hiện những trường hợp bán hàng online không minh bạch, không đảm bảo chất lượng. “Tôi nghĩ người mua qua online cần phải biết quyền lợi của mình, cần phải biết sử dụng công cụ, biết lưu giữ bằng chứng khi cần thiết và điều quan trọng nữa là cần phải biết đấu tranh. Nếu khi cần đấu tranh thì môi trường pháp lý và công cụ công nghệ sẽ là những trợ giúp đắc lực”.

Thực hiện định danh người bán hàng online là một hành trình còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng rất cần thiết và hoàn toàn khả thi. Khi mọi giao dịch thương mại được ghi lại minh bạch sẽ tạo sự an tâm hơn cho cả người mua lẫn người bán. Từ đó khuyến khích mua sắm online nhiều hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch không tiền mặt, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế. Hơn nữa, khi việc định danh được thực thi sẽ là những mấu chốt tạo ra môi trường mạng văn minh, là một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của đất nước.

Mời nghe nội dung cuộc trò chuyện giữa VOV2 và ông Vũ Hoàng Liên tại đây: