Những năm qua, nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh ở nước ta. Theo We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đến nay là 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Thậm chí, kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội.

Thực tế, không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người khi làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, làm cho con người đến với nhau dễ dàng hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Mạng xã hội cung cấp rất nhiều những thông tin, nội dung tư vấn, hướng dẫn để mọi người dễ dàng thực hành các hoạt động cần thiết trong cuộc sống….Mạng xã hội giúp tăng sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động yêu thích (like), chia sẻ hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác. Cũng thông qua mạng xã hội, mọi người có nhu cầu tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình.

Tuy nhiên, cùng với những ích lợi, người dùng mạng xã hội cũng phải chịu những tác động tiêu cực bởi các nội dung độc hại, các chiêu trò lừa đảo… đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Những nạn nhân của mạng xã hội mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc quản lý thông tin trên mạng trong đó quản lý người dùng mạng xã hội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP có nêu, quy định mạng xã hội (nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại. Ngoài ra, các mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Các tài khoản chưa định danh chỉ được xem nội dung đơn thuần. Việc định danh người dùng sẽ do mạng xã hội chịu trách nhiệm, đồng thời phải quản lý nội dung livestream và gỡ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS cho rằng, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, việc quản lý và định danh tài khoản số sẽ giúp các quy định pháp luật được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Đồng thời khiến người dùng mạng xã hội có trách nhiệm hơn đối với mỗi phát ngôn, đăng tải hay bình luận của mình.

Thời gian qua, các mạng xã hội hoặc dịch vụ internet xuyên biên giới tại Việt Nam, chỉ có Facebook yêu cầu định danh tài khoản, chủ sở hữu phải dùng tên thật được xác minh bằng giấy tờ tùy thân hợp pháp nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tài khoản ảo, tài khoản mạo danh. Còn YouTube, Google, Twitter... đều không có yêu cầu này đối với người sử dụng thông thường và chỉ bắt buộc phải xác thực đối với những người có hoạt động kiếm tiền từ các nền tảng này.

Việc định danh được đặt ra nhằm bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của người dùng liên quan tới tài khoản trên mạng xã hội, nhưng không ít người dùng lại lo sợ rằng, để đăng ký tài khoản, họ phải cung cấp những thông tin cá nhân như như số điện thoại, họ tên thật, hình ảnh căn cước công dân (đồng nghĩa với việc các dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú… cũng đều hiển thị). Trong đó, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội thời gian qua diễn ra liên tiếp, gây thiệt hại và tổn thất vô cùng lớn cho người dùng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, để thực hiện được định danh tài khoản trên mạng xã hội cần có sự đồng thuận từ nhiều phía, mà cần nhất là sự ủng hộ từ phía người dùng mạng xã hội. Cùng với đó, phía cơ quan chức năng, các nhà mạng cần phải có những biện pháp để bảo vệ thông tin người dùng cũng như ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Có thể nói, việc định danh tài khoản trên mạng xã hội là rất cần thiết, vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Đồng thời, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.

Mời nghe âm thanh tại đây: