Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Việt Nam chúng ta có hơn 100 triệu tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok… Không thể phủ nhận, mạng xã hội là một trong những giải pháp công nghệ hữu hiệu và tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua các tài khoản mạng xã hội ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, những hành xử kém văn minh trên không gian mạng, các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, mua bán hàng online tại nước ta có những diễn biến phức tạp. Ngoài việc dùng tài khoản ảo, ăn cắp tài khoản của người khác để lừa đảo, không ít cá nhân còn sử dụng để livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác. Nhiều vụ việc cũng từ mạng xã hội mà phổ biến, lan truyền theo hướng tiêu cực, tác động rất xấu đến xã hội.

Đó cũng chính là lý do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mới đây đã đề xuất: đối với tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, sau khi định danh mới được bình luận. Các tài khoản xuyên biên giới cũng phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Trước đó, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất tài khoản cần xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội.

"Mạng xã hội cũng là một loại công cụ giao tiếp tất yếu khi xã hội phát triển. Do vậy việc chúng ta giao tiếp trên mạng xã hội cũng phải được thực hiện tương tự như khi giao tiếp ở ngoài đời thực, nghĩa là mình cần phải biết mình đang giao tiếp với ai. Do vậy tôi cho rằng việc xác thực, định danh tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết. Xác thực, định danh tài khoản mạng xã hội sẽ giúp bảo vệ tất cả mọi người khi tham gia hoạt động trên môi trường Internet". Ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC nêu quan điểm.

Tuy nhiên, thực tế triển khai định danh tài khoản mạng xã hội cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Một trong những vấn đề được người dân quan tâm đó là việc bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường Internet.

“Tôi đồng tình với việc cần phải định danh để minh bạch, tránh lừa đảo và mất an ninh trật tự do lạm dụng MXH gây ra. Tuy nhiên tôi vẫn có đôi chút băn khăn là nếu định danh thì định danh như thế nào? Định danh bằng số điện thoại hay bằng căn cước công dân thì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân sẽ ảnh hưởng. Liệu có biện pháp nào vừa định danh được tài khoản mạng xã hội nhưng vẫn bảo đảm bí mật thông tin cá nhân được không?” – Bạn trẻ Nguyễn Tú Anh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội bày tỏ.

Ngoài ra, hiện nay nhiều nền tảng sử dụng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, ví dụ như tài khoản Facebook được lập thông qua email của Google, tài khoản game lại liên kết Facebook… Việc chồng chéo này sẽ rất khó khăn khi chỉ cần một dịch vụ trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ tính định danh sẽ bị phá vỡ.

Trước những lo ngại này, ông Trương Đức Lượng cho rằng, chúng ta đã có Luật An ninh mạng và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nếu tuân thủ thì sẽ giảm thiểu rủi ro mất cắp dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội khi cung cấp dịch vụ đều có trách nhiệm cung cấp các giải pháp công nghệ và tuân thủ theo những quy định của pháp luật quốc gia sở tại.

Ông Trương Đức Lượng cũng nhấn mạnh, mọi công cụ, quy định sẽ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội. “Hiện nay các mạng xã hội đều có nhiều chế độ thiết lập, nên người dùng cần hiểu để thiết lập những chế độ phù hợp và an toàn cho mình. Người sử dụng cũng cần tuân thủ quy tắc giao tiếp văn minh trên mạng xã hội”.

Thực hiện định danh tài khoản mạng xã hội là một hành trình đầy trở ngại, rất nhiều khó khăn và thách thức – nhưng rất cần phải làm. Khi việc định danh tài khoản mạng xã hội được thực thi sẽ là những mấu chốt tạo ra môi trường mạng văn minh, là một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của đất nước.

Mời nghe nội dung tại đây: