Mời nghe chương trình tại đây:

Với dân số hơn 8 triệu người, Hà Nội là một trong những địa phương có mức tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Để không xảy ra tình trạng quá tải, ngành truyền tải điện Thủ đô đã liên tục triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, từ nâng cấp đường dây, thay thế thiết bị cũ, đến cải tiến hệ thống điều khiển. Ông Đinh Thế Hùng - Phó Giám đốc truyền tải điện Hà Nội cho biết: đơn vị luôn chú trọng đến việc phát động những phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đối với toàn thể cán bộ công nhân viên trong công tác quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp. Nhiều công nghệ khi được áp dụng đã giúp công việc của người lính truyền tải thuận lợi hơn nhiều.

Một trong những ứng dụng khoa học công nghệ mà truyền tải điện Hà Nội triển khai thành công thời gian qua là sử dụng UAV (thiết bị bay không người lái). Với việc sử dụng công nghệ này, công nhân truyền tải sẽ tiết kiệm thời gian và công sức, giảm thiểu đáng kể sức lao động, đặc biệt tại những địa hình phức tạp như núi cao, sông suối. “Công nghệ UAV cùng với công nghệ Laida đối với đường dây mà công nhân khó đi kiểm tra tìm ra những khiếm khuyết của thiết bị, các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn thì chúng tôi cũng đặt các camera ứng dụng công nghệ AI để truyền các dữ liệu về cho người quản lý vận hành, tới đây sẽ lắp thêm thiết bị kiểm tra trong vận hành để bảo đảm thiết bị có đảm bảo an toàn để vận hành không”, anh Đặng Xuân Hùng chia sẻ.

So với phương pháp thủ công, bay UAV tự động mang lại nhiều lợi ích nổi bật như: duy trì chất lượng hình ảnh cao, đảm bảo góc chụp tối ưu. Sử dụng máy may không người lái được trang bị camera chụp ảnh nhiệt được coi là cuộc cách mạng về đổi mới công nghệ khảo sát giúp vận hành an toàn, ổn định các đường dây truyển tải điện hiện nay.

Công nghệ UAV được trang bị camera hiện đại, có khả năng quay phim, chụp ảnh, kiểm tra tình trạng lưới điện ngay cả khi hệ thống đang mang điện. Điều này giúp giảm nguy cơ cho công nhân khi phải kiểm tra bằng cách trèo cột hay cắt điện, đồng thời tối ưu hóa thời gian và nguồn lực. Từ khi công nghệ này được đưa vào áp dụng, anh Nguyễn Hoàng Giang cảm thấy công việc của mình được bớt khó khăn, vất vả hơn. “Thiết bị giúp mình trực vận hành hiệu quả hơn, an toàn hơn, ngày xưa 1 thiết bị có khi là phải ra tận nơi để thao tác nhưng bây giờ ở trong nhà cũng có thể thao tác được. Những ngày mưa gió thì sẽ có xác suất xảy ra nhiều hơn vì ảnh hưởng của thiên tai, trong những ngày mưa gió thì anh em phải giám sát thiết bị nhiều hơn, theo dõi nhiều hơn, cập nhập thông số, kiểm tra thiết bị tránh để xảy ra sự cố”, anh Giang phấn khởi.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ UAV, truyền tải điện Hà Nội còn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn quản lý và sản xuất, trong đó phải kể đến các dự án cụ thể như: Đưa trung tâm vận hành từ xa ba trạm 220kV Long Biên, Kim Động, Bắc Ninh 3 vào hoạt động. Triển khai hoàn thiện khai thác hệ thống quản lý kỹ thuật online PMIS, thu thập dữ liệu công tơ ranh giới tự động từ xa qua hệ thống MDMS WEB tại 13 trạm. Theo anh Nguyễn Tiến Phúc, qua phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, giúp cán bộ công nhân viên nâng cao kỹ năng trong công việc, học hỏi các đồng nghiệp để dảm bảo dòng điện được thông suốt, an toàn là liên tục.

Từ những đổi mới kỹ thuật đến ứng dụng công nghệ số, truyền tải điện Hà Nội đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng phát triển đô thị thông minh. Hơn tất cả, đó là nỗ lực không ngừng để mỗi khi bạn bật công tắc đèn, mở chiếc quạt, hay khởi động dây chuyền sản xuất – dòng điện luôn sẵn sàng, an toàn và liên tục./.