Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Tuyển sinh theo tuyến hiện nay có ưu điểm trong việc tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, quản lý, song lại là nỗi khổ đối với nhiều học sinh đăng ký cư trú ở một nơi nhưng chỗ ở hiện tại lại ở nơi khác. Và trên thực tế đã nảy sinh hiện tượng chạy hộ khẩu, chạy trường trái tuyến gây bức xúc dư luận.
“Tôi cho rằng quyết định để học sinh được học gần nhà là hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để thực hiện được quyết định này dựa trên nhiều nguyên nhân. Đặc biệt khi lựa chọn nơi học của học sinh hiện nay không chỉ dựa vào yếu tố địa lý. Có trăm nghìn lý do để phụ huynh quyết định sẽ chọn trường cho con mình như thế nào”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định.

Theo bà Chu Cẩm Thơ, câu chuyện giữa địa điểm học tập, nơi cư trú và nguyện vọng phù hợp năng lực học sinh, mong muốn của phụ huynh luôn luôn khó, thậm chí không đồng nhất. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, với mật độ dân cư cao, số lượng trường học cùng khoảng cách về địa lý cũng như chất lượng chưa đồng đều, đặt ra những áp lực lớn trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.
Thực tế cho thấy bên cạnh vấn đề tâm lí chọn trường, chọn lớp được cho là “tốt” với hi vọng, mong mỏi con em có được môi trường học tập tốt cũng sẽ tốt theo, bà Thơ cho rằng có không ít phụ huynh còn chọn trường gần nơi làm việc thay cho gần nhà nhằm mục đích tiện việc đưa đón, quản lí. Ở đây, những lợi ích của đứa trẻ khi được học gần nhà như phát huy tính tự lập, có được những mối quan hệ bạn bè thân thiết, gần gũi suốt những năm tháng học phổ thông…đã bị đẩy ra rìa, ưu tiên cho thuận tiện cho phụ huynh.
“Trong nhiều năm quan sát các thành phố lớn với áp lực dân số đông và thực hiện gắt gao việc tuyển sinh theo tuyến, tôi không nhận thấy dấu hiệu “hạ nhiệt” trong việc chọn trường, chọn lớp, dù ngành giáo dục các địa phương đều nỗ lực và cố gắng đảm bảo chất lượng dạy và học. Bởi lẽ đó, theo nhận định của cá nhân tôi và dựa vào các nguồn thông tin cũng như thực tế thì giả sử chính sách này dù hợp lí hợp tình nhưng khi đưa ra sẽ khó triển khai hiệu quả”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.
Kinh nghiệm để học sinh được học gần nhà của thành phố Hồ Chí Minh
Trước khi có thông tin mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa đưa ra thì Hà Nội cũng đã dự kiến tuyển sinh không theo tuyến và sử dụng bản đồ (GIS) từ năm học 2026-2027. Còn thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ số từ năm học trước.
Năm học 2025-2026 tới, các trường học từ mầm non đến THCS công lập tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai việc tuyển sinh đầu cấp theo hướng ưu tiên để học sinh học trường gần nhà. Cụ thể: Căn cứ vào hệ thống trường, lớp trên địa bàn, số lượng học sinh và thông tin về nơi ở hiện tại của học sinh, kết hợp sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để tính toán khoảng cách di chuyển của học sinh, các nhà trường sẽ tuyển sinh theo nguyên tắc bảo đảm quãng đường từ nhà đến trường không quá 4km đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, không quá 7km đối với học sinh THCS.
Việc tuyển sinh theo đó cơ bản sẽ không còn căn cứ vào địa giới hành chính hay nơi cư trú (trên giấy tờ) của các em học sinh. Các em học sinh tuy đăng ký cư trú ở xã, phường này nhưng hoàn toàn có thể vào học tại các trường thuộc địa bàn xã, phường khác nếu trường đó gần nơi ở hiện tại hơn.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một số khó khăn ngành giáo dục thành phố phải giải quyết khi triển khai tuyển sinh theo bản đồ số. Trước tiên, ban chỉ đạo tuyển sinh cấp quận huyện nhiều nơi vẫn chưa xóa được thói quen ranh giới hành chính, tạo nên khó khăn cho quá trình đồng bộ dữ liệu. Năm học 2025-2026, vấn đề này sẽ được ngành giáo dục thành phố quyết liệt xóa bỏ. Việc đưa dữ liệu cư trú lên hệ thống dữ liệu dân cư để xắp xếp ưu tiên phân bổ vị trí học của học sinh theo hướng ưu tiên học gần nhà.
Khó khăn tiếp theo thể hiện khi đồng bộ dữ liệu của ngành giáo dục với dữ liệu dân cư, bộc lộ sự thiếu đồng đều về mật độ. Ông Minh nêu ví dụ trường không đáp ứng số học sinh quá đông trên địa bàn, khoảng cách giữa các trường lại quá xa dẫn đến khó khăn cho ưu tiên việc học gần nhà.

Câu chuyện tâm lí chọn trường, chọn lớp, vốn là vấn đề nóng và căng thẳng với nhiều địa phương theo ông Minh lại không quá khó khăn với phụ huynh thành phố Hồ Chí Minh
“Thành phố Hố Chí Minh có các loại hình trường theo nhiều mô hình khác nhau như chất lượng cao, trường thực hiện chương trình quốc tế…Và họ được thực hiện cơ chế tuyển sinh riêng, liên quận cho phụ huynh lựa chọn. Còn cơ bản phụ huynh ở đây chọn cho con học gần nhà”, ông Minh chia sẻ.
Riêng với học sinh cư trú trên địa bàn dù có hộ khẩu hay ở trọ hoặc không có địa chỉ cư trú ổn định, đặc biệt các em là con em công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, theo chỉ đạo của thành phố đều được tiếp nhận học tập tại các trường ngay trên địa bàn.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hồ Tấn Minh cho rằng có hai kinh nghiệm cơ bản để triển khai và thành công trong việc tuyển sinh không theo địa giới hành chính: Thứ nhất dữ liệu dân cư và dữ liệu giáo dục phải đồng bộ, thống nhất; Thứ hai cần xóa đi ranh giới hành chính giữa các địa bàn dân cư trong mỗi tỉnh, thành phố.
Hà Nội sẽ khó khăn hơn khi triển khai tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới hành chính
Giống thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng bị sức ép lớn về dân cư với mật độ nhiều khu vực dày đặc và hầu như mùa tuyển sinh nào cũng trong tình trạng căng thẳng và quá tải ở nhiều khu vực nội đô. Bên cạnh đó còn phải kể đến tâm lí chọn trường tốt, trường điểm đã ăn sâu, bám rễ trong phụ huynh.
“Tôi cho rằng câu chuyện chất lượng các trường học trở thành điều kiện cần để thực hiện việc phân bổ học sinh theo yếu tố địa lí. Ở đây không phải các trường phải bằng nhau mà phải là đều tốt. Nếu chỉ bằng nhau thôi sẽ không đủ. Điều tôi lo lắng ở đây là dù rất cố gắng nhưng các trường từ mầm non đến THPT của chúng ta, tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia còn đang rất hạn chế.
Chúng ta còn mong đa dạng các loại hình trường học. Đây là điều tốt nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cũng như khả năng chi trả. Tuy nhiên, phải thừa nhận chúng ta có một số lượng lớn phụ huynh sẵn sàng chi trả, sẵn sàng tìm nhiều cách để con em mình vào học tại các mô hình trường này”, bà Thơ phân tích.

Ở Hà Nội đã có phụ huynh sẵn sàng chuyển nhà đến gần trường này trường kia, tạo điều kiện để con theo học. Điều này kéo theo áp lực giao thông, mật độ dân cư cùng giá cả đất đai, nhà cửa tăng lên…lên những khu vực có những trường "điểm", trường "tốt".
Với Thủ đô, điểm mấu chốt nằm ở việc giải quyết tâm lí của phụ huynh, giúp họ hiểu việc đặt quyền lợi của con em hay kì vọng, nhu cầu và thuận lợi cho phụ huynh lên trên. Đôi khi bản thân phụ huynh chỉ nghe trường này tốt, giáo viên giỏi từ người khác, bản thân không thực sự đánh giá được tính chính xác của thông tin. Và cứ tốt sẽ chọn, bất chấp quãng đường di chuyển hay phải giải quyết những khó khăn trong quá trình tuyển sinh đầu vào và còn gây áp lực sĩ số lên các nhà trường. Hoặc đôi khi đứa trẻ sẽ học xa nhà nhưng gần cơ quan bố mẹ để tiện đưa đón. Điều này vô tình phá đi cơ hội rèn luyện tính chủ động và mất đi những liên kết xã hội, bạn bè.
Để giải quyết được tâm lí này, ngoài thay đổi nhận thức của phụ huynh, PGS.TS Chu Cẩm Thơ khẳng định, ngành giáo dục cần xóa bỏ sự bất đồng đều về chất lượng giữa các nhà trường.
Có thể thấy, học sinh phổ thông, đặc biệt cấp tiểu học và THCS được học gần nhà sẽ cùng lúc đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội và quan trọng nhất là cho chính các em. Nhưng để làm được điều này cần sự đồng bộ hóa thông tin dân cư, sự nỗ lực tìm ra các giải pháp trong đó có giải pháp lâu dài là làm sao để có sự đồng đều về chất lượng dạy học trong hệ thống trường phổ thông.