Theo thống kê, bắt đầu từ ngày 28/7 xảy ra trận động đất mạnh nhất ở huyện Kon Plông (Kon Tum) có độ lớn 5 độ, sau đó trong vòng chưa đầy 5 ngày đã có hơn 60 trận động đất lớn nhỏ xảy ra. Nhiều nhất vào các ngày 28/7 là 21 trận, ngày 29/7 là 25 trận. Đặc biệt trận động đất mạnh 5 độ ngày 28/7 đã gây rung lắc dữ dội không chỉ ở Kon Tum, mà lan ra các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích. Động đất xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

“Động đất kích thích xuất hiện thường là theo các chu kỳ liên quan đến việc tích nước của hồ thủy điện và mực nước dâng. Đợt vừa rồi do mưa lớn và nước hồ dâng cao nên động đất kích thích đã xuất hiện”. TS Triều khẳng định đây là một hiện tượng bình thường theo chu kỳ của hoạt động động đất kích thích tại hồ chứa của Thượng Kon Tum. Tuy nhiên, khác với các lần trước, động đất kích thích xảy ra lần này có cấp độ mạnh hơn và tần suất cũng nhiều hơn rất nhiều.

“Một ngày trên 20 trận động đất như trong 2 ngày 28 và 29/7 vừa qua là chưa từng xảy ra trước đây”. Cũng theo phân tích của PGS.TS Cao Đình Triều, trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.

Trên thực tế có 3 điều kiện để có thể xảy ra động đất kích thích. Thứ nhất là nền đất, ở Việt Nam mình thì đã xảy ra trong nền đất đá vôi, đá granite và đá biến chất. Ở Kon Tum thượng xảy ra trong điều kiện nền đá biến chất. Điều kiện thứ hai để xuất hiện động đất kích thích là ứng xuất kiến tạo. Điều kiện thứ 3 nữa là đới biến dạng kiến tạo liên thông với hồ chứa hồ chứa và khi hồ chứa đủ mức lớn thì mới gây ra động đất lớn. Ở Kon Tum thì gần đó có thủy điện Đăk Đrinh, do hồ chứa bé cho nên những trận động đất kích thích xảy ra ở đó sẽ có cường độ yếu chỉ dưới 3 độ richter.

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận. Tại Kon Tum, theo dự báo của TS Cao Đình Triều, trong thời gian tới, động đất ở khu vực này vẫn tiếp tục xảy ra nhưng sẽ theo từng đợt và khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Thông thường vào mùa mưa, hồ thủy điện tích nước thì tần suất động đất sẽ tăng lên và sau đó nó sẽ giảm dần vào mùa khô. “Kinh nghiệm của thế giới cho thấy động đất kích thích thường kéo dài, điển hình như Ấn Độ lên đến 60 năm sau vẫn còn xảy ra động đất kích thích nhưng cấp độ ngày càng yếu dần”, TS Triều dẫn chứng.

Theo thông tin của Viện Vật lý địa cầu, tại khu vực Kon Plông đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh kon Tum cho biết: Sau khi xảy ra động đất kích thích, Ủy ban nhân dân huyện đã có ngay văn bản chỉ đạo cho các xã, đồng thời chỉ đạo cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, nạn phòng thủ dân sự đi xuống thôn, làng, nắm bắt thực tế, động viên, tuyên truyền, phổ biến và thông tin thêm cho nhân dân yên tâm. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tổ chức diễn tập, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại thôn, làng để người dân nâng cao kỹ năng xử lý, ứng phó tình huống có động đất xảy ra.

PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, mặc dù phần lớn các trận động đất ở Kon Tum yếu, ít khả năng gây thiệt hại nhưng vẫn rất cần kịp thời đánh giá tác động có thể có của các trận động đất vừa rồi, từ tác động đến công trình, tinh thần và cả sự phá hủy nhà cửa ở khu vực đấy. Thứ hai là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân ứng phó như thế nào khi động đất xảy ra, công tác cứu nạn cứu hộ phải tiến hành như thế nào cho nó hợp lý.

Đối với các cấp chính quyền phải nắm rõ và giám sát chặt chẽ nguyên tắc xây dựng trong khu vực có nguy cơ xảy ra động đất mạnh. Đối với người dân, TS Triều khuyến cáo, cần bình tĩnh trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn khi động đất xảy ra.