PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, ông có thể lý giải vì sao các trận động đất xảy ra liên tiếp trong những ngày qua ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum?

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương: Thực ra thì tất cả những trận động đất xảy ra ở Kon Tum từ năm ngoái đến nay đều là được đưa vào nhóm động đất kích thích. Động đất kích thích được định nghĩa là do tác động của con người gây ra chứ không phải là do thiên nhiên, không phải do phát sinh từ trong lòng đất theo vận hành của trái đất. Những trận động đất kích thích xảy ra ở Việt Nam là rất là phổ biến do thủy điện gây ra. Đặc biệt là các vùng miền Trung trước đây như là Bắc Trà My Nam Trà My và đến bây giờ là Kon Tum thì các nhà khoa học cho rằng đây chính là các trận động đất có nguồn gốc kích thích, tức là do nhà máy thủy điện tích nước ở các hồ chứa song từ đó các cột nước lớn ở các hồ chứa sẽ đè xuống và từ dưới có các lỗ hổng và các các đứt gãy hoạt động thì nó sẽ phát sinh ra động đất. Đấy là động đất kích thích.

PV: Với tần suất liên tục xảy ra động đất tại Kon Tum, có điều gì đáng lo ngại?

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương: Đấy cũng là quy luật của động đất kích thích thôi, nó thường nổ lụp bụp một thời gian sau đó lại lắng đi và có thể kéo dài từ một đến một vài năm. Hiện tượng gần đây khiến chúng ta cần phải quan tâm hơn là từ năm ngoái đến nay, động đất xảy ra khá dày đặc với tần suất lớn hơn. Nhưng thực tế, độ lớn ở nước ta chưa bao giờ vượt quá 3,9 độ richter. Và trận động đất trưa ngày hôm qua (18/4) lớn nhất cũng chỉ ở 4,5 độ richter. Nhìn vào đó cũng có thể thấy có sự gia tăng về độ lớn, nên từ góc độ khoa học chúng ta cũng phải quan tâm, là do có chiều hướng mạnh lên. Tuy nhiên 4,5 độ richter đối với thế giới, vẫn coi là động đất yếu không có khả năng gây ra thiệt hại nặng về nhà cửa người và tài sản.

PV: Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất ở Kon Tum, sáng nay (19/4) Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum. Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu, thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước vào thời điểm này. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp ứng phó này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương: Đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời. Tuy nhiên lâu dài cũng không thể nào ngăn chặn chuyện tích nước của một nhà máy thủy điện được. Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Cho nên chúng ta có thể phải đầu tư thêm các lực lượng khoa học để nghiên cứu hiện tượng này. Tại vì ở Kon Tum có nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, đó chắc chắn là nguyên nhân gây ra những chuỗi động đất kích thích gần đây. Chính phủ nên quan tâm đầu tư kinh phí để mở các cuộc khảo sát nghiên cứu kỹ hiện tượng ở khu vực này vì mỗi một khu vực lại có những đặc thù riêng về mặt địa chấn, tạo điều kiện phát sinh ruộng đất nên nếu chúng ta có được những kết quả nghiên cứu tốt thì vẫn đảm bảo được sản xuất, không bị ngừng trệ. Do đó về phương hướng giải quyết lâu dài là phải đầu tư thêm về nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ, các kết quả nghiên cứu khoa học vào việc dự báo và ứng phó với hiện tượng động đất kích thích tại khu vực này.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Phương!

Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và khu vực lân cận ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên, trong đó chỉ có 2 trận động đất xảy vào năm 1937 với độ lớn từ 3,9 và năm 2015 là 3 độ richter. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cụ thể từ tháng 4 năm 2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần, đặc biệt trong các ngày 15 và 18 tháng 4 vừa qua đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,5 độ richter.

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, sáng ngày 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum.

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Viện vật lý địa cầu và UBND tỉnh Kon Tum, các công ty quản lý công trình thủy điện trên địa bàn Kon Tum, đặc biệt là Thủy điện Thượng Kon Tum...

Nhấn mạnh tại cuộc họp này, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu, thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước vào thời điểm này. Đồng thời, cũng khuyến cáo các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.