Quy định về thu hồi đất, giá đền bù - “nút thắt” dẫn đến khiếu kiện
Sáng ngày 9/6, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, kết quả lấy ý kiến Nhân dân và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này. Vấn đề thu hồi đất và giá đền bù nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi cho rằng, việc thu hồi đất và giá đền bù là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc nhiều người dân khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất. “Thời gian qua, số lượng đơn, thư về thu hồi đất có giảm, nhưng đơn, thư khiếu nại về giá đền bù vẫn tăng. Điều này cho thấy giá đất Nhà nước đền bù cho người dân khi thu hồi và giá thị trường chưa tương thích. Bất cập này là một trong những yếu tố dẫn đến khiếu kiện”, bà Diễm chia sẻ.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng phần lớn các vụ khiếu kiện thời gian qua có liên quan tới việc thu hồi đất và giá đền bù cho người dân. Nguyên nhân là do các quy định trong Luật Đất đai hiện hành bộc lộ nhiều bất cập. “Bà con bức xúc vì Nhà nước thu hồi thì đền bù giá rất thấp. Họ chưa tính đến việc sau này kinh doanh, sinh ra lợi nhuận trên đó. Phần lợi nhuận đó chưa được tính trước và chia một phần cho người dân. Tôi thấy nếu các dự án thu hồi đất của dân vì lợi ích an ninh, quốc phòng thuần túy thì không ai thắc mắc”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa khẳng định.
Thậm chí, nhiều trường hợp lấy danh nghĩa thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng nhưng sau đó lại thay đổi mục đích sử dụng đất. Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. “Trong thực tế, có dự án thu hồi đất với mục đích ban đầu là vì an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng sau đó lại thay đổi. Ví dụ, ban đầu họ bảo sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí nhưng sau đó họ lại xây dựng khu nhà ở thương mại và bán với giá rất cao, trong khi người có đất bị thu hồi thì trước đó được đền bù với giá rất thấp. Sự chênh lệch về địa tô đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu thực tế.
Kỳ vọng quy định mới để “hóa giải” tình trạng khiếu kiện về đất đai
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến đất đai, sáng ngày 9/6, khi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, không quy định theo cách dẫn chiếu sang quy định tại các điều, khoản khác mà có quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại dự thảo luật. Thay mặt Ủy ban Kinh tế, ông Thanh cũng kiến nghị quy định về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không chỉ phải đúng loại dự án quy định trong luật, mà cần quy định dự án đó phải thật sự cần thiết.
Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đây sẽ là “bước tiến” lớn, các đại biểu Quốc hộ nên xem xét kỹ lưỡng, quy định rõ ràng để từng bước hạn chế tình trạng tố cáo, khiếu nại liên quan đến đất đai. “Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội bảo đảm tuân thủ Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp 2013. Đại biểu của Ủy ban Tư pháp cũng đã góp ý chỗ này rằng không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong luật, gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn phải yêu cầu các trường hợp đó phải thật cần thiết. Như vậy, ở đây có 2 vế. Vế thứ nhất là căn cứ là vì quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng. Vế thứ hai là phải thật cần thiết. Ví dụ, đơn vị nào định làm doanh trại ở vị trí đó thì phải chứng minh được rằng nhất thiết phải làm ở chỗ đó mà không làm ở chỗ kia”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Từ thực tế và qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quan điểm phải quy định rõ “các dự án thu hồi đất của người dân vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải là trường hợp thật cần thiết. Theo ông, đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi thu hồi nhằm trục lợi do chênh lệch địa tô. “Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần phải ‘trói’ các dự án thu hồi đất bằng các quy định tại Điều 12 của Dự thảo luật về các hành vi bị cấm. Phải quy định rõ các dự án khi thu hồi đất với mục đích quốc phòng, an ninh thì nghiêm cấm sau đó không được chuyển đổi sang mục đích khác”, ông Đức còn kiến nghị.
Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai. Mọi quy định, khi thay đổi sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực cũng như toàn bộ người dân. Mong rằng, những hạn chế, bất cập trong luật hiện hành, nhất là các quy định về thu hồi đất và bồi thường cho người dân sẽ được các đại biểu nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để hoàn chỉnh luật./.