Vấn nạn dự án treo, chậm tiến độ đang phổ biến tại nhiều địa phương. Có những dự án 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, mà còn làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị nơi có các dự án treo, chậm tiến độ trở nên nhếch nhác. Và để “hạ xuống” được những dự án “treo” này, theo các chuyên gia, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có chế tài xử phạt tài chính mạnh.

Vì sao nhiều dự án chậm triển khai?

Theo báo cáo của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, được trình bày tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15, thực trạng hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” cũng còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha….

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những con số được thống kê trong báo cáo này là những số liệu chưa đầy đủ và mới chỉ tính đến hết thời điểm của năm 2021. Nếu rà soát một cách tổng thể, phạm vi cả nước thì con số dự án công trình treo, chậm tiến độ còn nhiều hơn thế và phần lớn những dự án này này đều nằm ở những vị trí đắc địa.

“Có những dự án đã treo đến 25 năm, còn loại 10 năm thì rất nhiều. Đây là một nguồn gây lãng phí rất lớn. Lẽ ra nguồn quỹ đất đai đó phải đưa vào sử dụng tạo ra nhà ở, tạo ra công xưởng để mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội, cho toàn dân. Thế nhưng hiện nay treo tới 10 năm, 20 năm thì cũng đồng nghĩa hiệu suất sử dụng đất gần như bằng 0, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế”.

Ngoài hệ lụy này, GS Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh, tình trạng dự án “treo” còn có những tác động xã hội khá mạnh khác. Đó chính là niềm tin của người dân vào chính sách của nhà nước. Tại nhiều địa phương, người dân bị thu hồi đất đã phản ứng mạnh mẽ. Thậm chí ở mức cao hơn, nhiều người bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu kiện đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của bà con…

“Người dân đang sử dụng đất, tạo ra sinh kế, giờ họ bị thu hồi xong chủ đầu tư lại để đấy cho cỏ mọc, thậm chí trâu bò vào ăn. Những tác động ngay trực diện vào mắt như thế nên bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa”, GS Đặng Hùng Võ phân tích.

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, có nhiều yếu tố, trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan thể hiện sự thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.

GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: Một số địa phương giao dự án cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Có địa phương chưa thực hiện theo dõi, thống kê và báo cáo thực trạng sử dụng đất đai theo quy định, dẫn đến tình trạng không quản lý và xử lý kịp thời sai phạm.

Cách nào để “hạ” dự án “treo”, chậm tiến độ?

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả. Ngân sách thu được thêm, nhà đầu tư dự án bị “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng dự án cho người khác. Theo giải pháp này, việc xử lý các dự án “treo” sẽ dễ dàng và thuận lợi, không thể ùn tắc theo thời gian.

“Để giải quyết căn cơ câu chuyện này thì gần như không có cách nào khác là sử dụng công cụ đánh thuế. Sẽ nâng tỷ suất thuế lên cao hơn và cứ năm sau cao hơn năm trước. Như vậy chính bản thân chủ đầu tư không chịu nổi thuế nữa thì sẽ tự giải quyết các dự án treo của mình mà Nhà nước lại không bị thất thu từ nguồn tài nguyên đất”.

Tại các nước đang phát triển và đang thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa, giá trị đất đai tăng thêm luôn có giá trị khá cao. Giá trị này có thể do quản lý của Nhà nước tạo ra bằng phê duyệt một bản quy hoạch hợp lý, một quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, một quyết định về đầu tư công phát triển hạ tầng,... Giá trị này cũng có thể do đầu tư các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn hay phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hay hạ tầng môi trường.

Các nước phát triển thường sử dụng sắc thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm này để phân phối hợp lý xử lý ngay trong bồi thường, tái định cư trong thu hồi đất để phát triển vì mục đích công cộng. Như vậy, giải pháp ở Việt Nam cũng cần nghiên cứu sắc thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm và phương thức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án phát triển hạ tầng làm cho giá trị đất đai tăng thêm.