Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km và dự kiến thông tuyến vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án mới hoàn thành được hơn 86%, còn khoảng 171 km vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai.

Thảo luận tại hội trường chiều 6/6, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ phần nhiều do nguyên nhân chủ quan. Việc chậm trễ này kéo theo chi phí thực hiện bị đội lên.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang), đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông quốc gia rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Đây là dự án được Quốc hội khóa XI, Quốc hội khóa XIII ban hành 2 nghị quyết để quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, những đoạn hoàn thành đã vận hành cùng mạng lưới giao thông toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là những vùng khó khăn, những vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống - nơi mà dự án đi qua.

“Đến nay vẫn còn 171 km chưa đầu tư. Đây cũng đồng nghĩa với việc chưa thực hiện xong Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa 13. Tôi cũng đồng tình rằng có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm trễ, chưa hoàn thành đầu tư cho tuyến đường này. Nhưng tôi cho rằng phần nhiều là do chủ quan. Quốc hội chúng ta cũng chưa thường xuyên theo dõi, giám sát thực hiện các nghị quyết này. Với 171 km còn lại này là những đoạn đường đi qua vùng khó khăn, khu kháng chiến, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Bà con nơi đây chờ mãi mà vẫn chưa thấy đường mới. Bà con đã gửi gắm cho đại biểu chúng tôi những tâm tư hết sức xúc động “Quốc hội ơi, hãy cho chúng tôi con đường, một con đường đầy triển vọng, một con đường mơ ước của người dân”. Thế nên chậm ngày nào là tội dân ngày đó” – Bà Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tha thiết đề nghị Quốc hội thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV để làm cơ sở cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện hoàn thiện đường Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này để không lỡ nhịp lần nữa. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn đầu tư duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số đoạn của đường Hồ Chí Minh đi chung với một số quốc lộ khác đã xuống cấp hoặc những đoạn đường đầu tư lâu nay đã bị hư hỏng nhằm phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn trong thực thi nhiệm vụ là mở đường cho kinh tế phát triển.

Ngoài mối lo ngại về việc chậm tiến độ nhiều năm khiến kinh phí “đội giá”, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) thẳng thắn chỉ ra rằng: "Nhiều đoạn chất lượng chưa đảm bảo, lãng phí nguồn lực của đất nước. Nguyên nhân chủ quan là do thiếu quyết liệt nên dẫn đến sự chậm trễ. Cần kiểm điểm thẳng thắn. Đặc biệt đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở các địa phương có tuyến đường đi qua . Đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, rút kinh nghiệm cho các công trình đang triển khai đầu tư rất lớn.” – Ông Lê Hoàng Anh kiến nghị.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bố trí nguồn vốn khả thi để đảm bảo hoàn thành các dự án tiếp theo, thống nhất nối thông toàn tuyến trong năm 2025. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp để nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như bảo đảm an toàn giao thông.

Phân tích của đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho thấy, theo nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, lẽ ra dự án đường Hồ Chí Minh phải thông tuyến vào năm 2020, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Còn theo dự kiến dự kiến sẽ hoàn thành sớm nhất vào năm 2025, như vậy là chậm tiến độ ít nhất 5 năm. Điều này gây ra không ít gánh nặng. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách rất hạn chế vẫn phải chi cho nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ. Để hoàn thành hơn 2.000 km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí khoản 239,5 tỉ đồng, còn lại phải cần huy động vốn ngoài ngân sách. Do đó, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trình Quốc hội xem xét ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết.

“Để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu” – Ông Thạch Phước Bình đề xuất.

Tại cuộc thảo luận, nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi “Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo” chưa đưa ra thời gian cụ thể hoàn thành thông tuyến. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải đưa ra thời gian chính xác cũng như có những giải pháp cụ thể hơn nữa để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu quyết tâm dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025. Nhưng để hoàn thành được theo đúng tiến độ, Bộ trưởng đề nghị các địa phương liên quan bàn giao mặt bằng đúng, đủ.