Không chỉ khó khăn vì dịch covid- 19 khiến thu nhập bị ảnh hưởng, người dân ở Hà Nội trong những ngày vừa qua đang phải đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng cao.

Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, giá cả hàng hóa thực phẩm không chỉ tăng theo tuần mà gần như tăng theo ngày với tốc độ phi mã. “Những ngày qua, hỏi mua thịt và rau xanh mà không tin vào tai mình. Mấy tháng nay, cả hai vợ chồng tôi đều nghỉ việc, không có nguồn thu nhập, cả gia đình phải cắt giảm, ăn uống, chi tiêu đều phải tiết kiệm. Giờ giá cả tăng cao như thế này không biết sẽ phải xoay xở ra sao nữa”- một bà nội trợ ở quận Hai Bà Trưng than phiền.

Theo các tiểu thương buôn bán tại các chợ dân sinh, có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa ở chợ tăng giá. Đối với mặt hàng trứng việc tăng giá là do khan hiếm nguồn hàng, còn các loại thực phẩm khác như thịt lợn, rau xanh bị đẩy giá là do khâu vận chuyển vào nội thành khá khó khăn, thậm chí có nhiều hôm không lấy được hàng để bán.

Trái ngược với các chợ truyền thống, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá các mặt hàng rau, củ, quả lại khá bình ổn, không tăng so với trước.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ một lượng lớn các nguồn hàng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. “Tại siêu thị của hệ thống Co.opmart, các loại hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả cũng không tăng so với trước. Thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân", bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

Về phía cơ quan chức năng, đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng khẳng định lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân được đảm bảo trong mọi tình huống.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế, các cơ quan chức năng luôn muốn tạo sự an tâm cho tất cả người dân. Nhưng có một điều hiển nhiên mà nhiều người nhìn thấy ngay đó là khi chuỗi cung ứng hàng hóa đang bị đứt gãy, khi mà giao thông vận tải đang bị chậm lại tại tất cả các chốt kiểm soát thì việc khan hiếm hàng hóa, đẩy giá cả lên cao là điều đương nhiên xảy ra. Đó là chưa kể một số chợ đầu mối, hệ thống siêu thị phải đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh tăng lên.

Việc giá các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến trong mùa dịch có lẽ không phải lần đầu mới xảy ra. Vậy cần có cách thức tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu cũng như giải pháp bình ổn giá như thế nào để ngăn chặn tình trạng giá cả liên tục leo thang, gây khó khăn kép cho người dân trong mùa dịch?

Theo con số công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,64% so với cùng kỳ 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu nhìn vào con số này so với mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ sẽ thấy còn rất nhiều dư địa và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thế nhưng, với tình hình thực tế hiện nay, ngoài việc triển khai tích cực các chính sách an sinh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần phải có giải pháp mang tính tổng thể và triển khai có hệ thống. Ông cũng đề xuất, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Đối với những lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa” để tăng giá vào mùa dịch, TS Hiếu cho rằng lúc này cần sự giám sát của Ban quản lý các chợ, các cơ quan chức năng ở địa phương, phải theo dõi sự biến động của giá cả để báo cáo cho Chính phủ và có biện pháp điều tiết kịp thời. Ông cũng lưu ý, ở thời điểm này, việc đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lưu thông hàng hóa thuận lợi, sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng để kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường.

“Nếu không kiểm soát được giá cả thì tôi e rằng tình hình sẽ càng ngày càng trở nên nghiêm trọng và tạo nên khó khăn kép cho người dân”, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.