Ngay từ đầu năm nay, Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần để tiến tới thay thế cho giá điện một thành phần (tiền điện chỉ trả theo điện năng tiêu thụ) đang thực hiện.
Theo các chuyên gia, cơ chế giá điện hai thành phần được hiểu là bao gồm giá "công suất" và "điện năng". Có nghĩa, trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị hai thành phần tính giá điện gồm giá công suất, được khách hàng đăng ký theo "gói công suất" gắn với nhu cầu sử dụng. Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Khách hàng cũng có thể hiểu một cách đơn gian rằng, cơ chế giá điện hai thành phần giống với gói cước điện thoại mà hiện các nhà mạng đang áp dụng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, giá điện một thành phần (chỉ tính phần điện năng) hiện đang được áp dụng tại nước ta có ưu điểm là đơn giản, dễ áp dụng cho mọi đối tượng, đồng thời cũng dễ quản lý tiền điện. Tuy nhiên, nhược điểm của cách tính này lại khá nhiều. Thứ nhất, chưa phản ánh hết được những tác động của người tiêu dùng đến giá điện, đặc biệt là những người tiêu dùng điện lớn, làm ảnh hưởng tới tổng công suất và làm tăng chi phí giá điện tính chung dành cho người tiêu dùng. Thứ hai, chưa giúp chủ đầu tư hoàn vốn, đặc biệt là những nhà đầu tư nào không bán được điện thì coi như không có dòng tiền thu về. Thứ ba, cơ chế giá điện như hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng sử dụng điện sinh hoạt phải bù chéo sản xuất của doanh nghiệp (tức là người dùng nhiều bù cho dùng ít).
Với việc áp dụng giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng, theo TS Nguyễn Minh Phong sẽ đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Cơ chế giá điện 2 thành phần cũng được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên, không ngừng nâng cao khả năng sử dụng tài sản cố định nhằm giảm giá thành sản xuất nâng cao hiệu quả chung của xã hội.
“Giá điện 2 thành phần sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn, giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Đồng thời cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn rồi không dùng. Và một điều quan trọng nữa là nếu áp dụng cách tính này sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ”, TS Phong nhấn mạnh.
Mặc dù có ưu thế vượt trội, nhưng theo TS Nguyễn Minh Phong, ngành điện, trước hết phải xây dựng một kịch bản theo lộ trình, dựa trên những phương án đưa ra và trên kết quả của quá trình thí điểm. Trong quá trình thí điểm không làm đội giá cho người dân lên mà chỉ quan sát sau đó sử dụng kết quả thí điểm đó để tính toán và đưa ra một phương án phù hợp. Đối tượng áp dụng thí điểm nên bắt đầu từ khu công nghiệp, từ hoạt động sản xuất, vì đây là những đơn vị tiêu thụ nhiều điện nhất và tạo ra sự lãng phí công suất nhất.
Bên cạnh đó TS Nguyễn Minh Phong cũng đề xuất, cần phải kết hợp thêm tính điện theo giờ cao điểm. Và một điều nữa đặc biệt quan trọng là phải cải cách bộ máy, năng lực, trách nhiệm và cả quá trình hoạt động của cơ quan quản lý điện để tạo ra một sự minh bạch, công khai với người dân.
Mới đây, đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Bởi vậy không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Sau khi thí điểm, Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
Nghe TS Nguyễn Minh Phong phân tích về những ưu điểm của giá điện 2 thành phần tại đây: