Trong xã hội hiện đại, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt với không ít áp lực từ công việc, tài chính, đến việc nuôi dạy con cái và các mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua chính là kỹ năng sống - những kỹ năng cơ bản giúp các cặp vợ chồng quản lý cuộc sống gia đình và mối quan hệ hôn nhân hiệu quả hơn. Khi kỹ năng sống chưa được coi trọng, không ít gia đình trẻ gặp phải các vấn đề, từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt đến những cuộc khủng hoảng lớn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

“Bức tranh” hôn nhân của người trẻ

Những cặp vợ chồng trẻ mới ngoài hai mươi - là hình ảnh quen thuộc trong nhiều khu dân cư hiện nay. Với vẻ ngoài tươi vui, năng động và tràn đầy sức sống, họ dường như là hình mẫu lý tưởng của thế hệ trẻ. Nhưng bên trong căn nhà nhỏ của họ là một bức tranh hỗn loạn. Những lần cãi vã không đầu không cuối, bất đồng về chi tiêu và cách chăm sóc con nhỏ, từ việc ai sẽ rửa bát đến ai phải dọn nhà? Tất cả đều xoay quanh một vấn đề lớn hơn: Sự thiếu kỹ năng sống và tính trách nhiệm trong gia đình.

Thu Quỳnh và Quang Lâm, hai bạn trẻ cùng quê Thanh Hóa cưới nhau khi còn quá trẻ. Họ bước vào hôn nhân với tâm hồn tự do, không chuẩn bị trước cho những khó khăn mà cuộc sống hôn nhân mang lại. Thực tế khác xa với những gì Quỳnh tưởng tượng. Không có sự chuẩn bị kỹ năng quản lý gia đình và chia sẻ trách nhiệm, họ thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng vì những điều tưởng như nhỏ nhặt. “Hay cãi nhau nhiều vấn đề lắm, cuộc sống cơm áo gạo tiền, bất đồng quan điểm, rồi việc nhà, con cái... Nói chung nhiều vấn đề lắm” - Quỳnh tâm sự.

Những ngày đầu, việc tổ chức bữa ăn gia đình cũng là vấn đề. Không ai biết nấu ăn, và mỗi lần vào bếp là một lần tranh cãi vì không ai chịu trách nhiệm. Tất cả mọi thứ từ việc phân chia công việc đến việc lập kế hoạch chi tiêu đều gây ra sự bối rối cho họ. Điều này dẫn đến nhiều mâu thuẫn nhỏ nhặt, và nhiều khi là cả những trận cãi vã căng thẳng. Quỳnh chia sẻ thêm “Như em bây giờ vợ chồng không nói chuyện được với nhau. Vì có những lời nói xúc phạm, không tôn trọng nhau. Nhiều khi đi làm về thấy mệt mỏi, nhờ anh giúp cái này cái kia, bạn ấy chơi điện tử không giúp gì hết”.

Sự trẻ con trong suy nghĩ và hành động cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Những cặp vợ chồng trẻ thường mang theo những suy nghĩ đơn giản và kỳ vọng không thực tế về hôn nhân. Bảo Trung, một bạn trẻ luôn tin rằng hôn nhân chỉ là tiếp nối của một tình yêu ngọt ngào và hạnh phúc, mà không hiểu rằng nó đòi hỏi trách nhiệm và sự hy sinh. Bảo Trung chia sẻ “Đến với nhau nhanh, nghĩ tình yêu trên hết, nhưng khi về với nhau xảy ra nhiều cái, gần nhau nhiều điểm xấu bộc lộ, dẫn đến cãi cọ, ly hôn”.

Ngược lại, những người vợ như Ngọc Ánh (quê Hải Phòng) lại cảm thấy rằng chồng mình không đủ trưởng thành và chưa sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm trong gia đình. Cô cảm thấy mình phải làm nhiều hơn để bù đắp cho sự “trẻ con” của chồng. “Em thấy rất bực mình, cái gì cũng hỏi vợ, nhiều cái trẻ con quá, không quyết đoán được. Chồng trẻ con giống như mình nuôi thêm một đứa trẻ con trong nhà, một đứa trẻ con mãi mãi không lớn được” – Ngọc Ánh cho biết.

Câu chuyện về những cặp “vợ chồng trẻ con” là bài học quý giá cho nhiều cặp đôi trẻ, là lời nhắc nhở rằng kỹ năng sống là điều vô cùng cần thiết trong hôn nhân. Sự trẻ con, thiếu trách nhiệm không chỉ ảnh hưởng đến tình yêu đôi lứa mà còn có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình nếu không được xử lý đúng cách.

Khi kỹ năng sống chưa được coi trọng

Trao đổi với Phóng viên VOV2, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa, Giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững. Những kỹ năng này không chỉ giúp các thành viên trong gia đình giao tiếp hiệu quả mà còn tạo ra một môi trường tích cực để nuôi dưỡng tình cảm và sự gắn kết.

Tuy nhiên. nhiều cặp vợ chồng trẻ bước vào hôn nhân mà không có sự chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng sống. Họ thường có nhận thức hời hợt về ý nghĩa của hôn nhân và cuộc sống gia đình, dẫn đến việc không đủ khả năng giải quyết các mâu thuẫn phát sinh. Điều này khiến họ dễ dàng rơi vào tình trạng xung đột mà không biết cách xử lý. Tthiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột hay kỹ năng quản lý cảm xúc có thể dẫn đến các cuộc cãi vã và thậm chí ly hôn.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa cho rằng, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực tài chính và xã hội cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng trong các mối quan hệ. Các cặp đôi trẻ thường phải đối mặt với những thách thức về tài chính, từ việc tìm kiếm việc làm ổn định cho đến quản lý chi tiêu hàng ngày. Những áp lực này có thể làm giảm khả năng lắng nghe và thấu hiểu giữa hai bên, dẫn đến xung đột. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ không dành đủ thời gian để học hỏi và phát triển bản thân trong các lĩnh vực như tình yêu, giới tính, và nuôi dạy con cái. Việc tham gia các lớp học tiền hôn nhân hay các khóa đào tạo kỹ năng sống vẫn còn hạn chế, mặc dù chúng có thể giúp họ trang bị kiến thức cần thiết để xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa phân tích thêm, kỹ năng quản lý thời gian giữa công việc và gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ. Việc quản lý thời gian hiệu quả giúp họ có thể tạo ra sự cân bằng, từ đó nâng cao năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống gia đình, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Quản lý thời gian hiệu quả cho phép các cặp vợ chồng dành nhiều thời gian cho nhau và con cái. Điều này giúp củng cố mối quan hệ gia đình và mang lại niềm vui và hạnh phúc chung.

Bên cạnh đó, không ít cặp đôi trẻ vì không có kỹ năng quản lý chi tiêu, dẫn đến việc thường xuyên rơi vào tình trạng hết tiền vào cuối tháng. Họ cảm thấy bức bối và bắt đầu đổ lỗi cho nhau vì những khoản chi tiêu không hợp lý. Việc không quản lý tài chính tốt có thể làm chậm tiến độ đạt được các mục tiêu chung như mua nhà, du lịch hay đầu tư cho tương lai.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa, để vợ chồng trẻ nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống ngay từ trước khi bước vào hôn nhân, mỗi cặp vợ chồng nên tham gia các khóa học tiền hôn nhân. Ở đó các bạn trẻ sẽ được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, tài chính gia đình và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Việc thảo luận về các vấn đề như tài chính, kế hoạch sinh đẻ và cách nuôi dạy con cái trước khi kết hôn là rất quan trọng. Điều này giúp cả hai hiểu rõ hơn về nhau và giảm thiểu mâu thuẫn trong tương lai. Sự tôn trọng là nền tảng cho mọi mối quan hệ. Cặp đôi cần học cách chấp nhận sự khác biệt và hỗ trợ nhau trong mọi tình huống.

Ngoài ra, để đối phó với những thách thức trong cuộc sống gia đình, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa khẳng định, các cặp vợ chồng trẻ cần trang bị những kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Việc thường xuyên trao đổi và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ là rất quan trọng. Các cặp đôi nên dành thời gian để lắng nghe và hiểu nhau, từ đó giảm thiểu xung đột và tăng cường sự đồng cảm. Khi xảy ra bất đồng, các cặp vợ chồng trẻ nên tìm cách giải quyết ngay lập tức, không để tình trạng kéo dài. Việc này giúp ngăn chặn sự tích tụ của những cảm xúc tiêu cực.

Các cặp vợ chồng trẻ cũng cần có những khoảng thời gian dành riêng cho nhau để nuôi dưỡng tình cảm và phát triển sở thích cá nhân, điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn làm phong phú thêm mối quan hệ. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động giải trí hoặc các sở thích chung cũng giúp cả hai gắn bó hơn và tạo ra những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống. Cả hai vợ chồng trẻ cũng nên thể hiện sự biết ơn đối với những gì đối phương làm cho mình, điều này giúp tăng cường tình cảm và sự kết nối giữa hai người.

Để giải quyết những vấn đề về kỹ năng sống trong các gia đình trẻ, sự nhận thức và thay đổi là điều cần thiết. Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa, nhà trường, xã hội và các tổ chức cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vợ chồng trẻ phát triển kỹ năng sống. Nhà trường cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho vợ chồng trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Các chương trình giáo dục về hôn nhân và gia đình có thể giúp họ chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hôn nhân. Xã hội cần xây dựng môi trường thân thiện với gia đình trẻ, bao gồm việc phát triển các dịch vụ như nhà trẻ, lớp học miễn phí cho trẻ em, giúp vợ chồng trẻ có thể yên tâm làm việc và phát triển sự nghiệp. Chính phủ và các tổ chức xã hội có thể đưa ra các chính sách khuyến khích vợ chồng trẻ sinh đủ hai con và hỗ trợ tài chính cho họ trong việc mua nhà ở xã hội hoặc thuê nhà. Các tổ chức cộng đồng có thể tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi giữa các cặp vợ chồng trẻ, từ đó giúp họ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong việc nuôi dạy con cái và quản lý gia đình

Tình yêu không đủ để duy trì một gia đình hạnh phúc nếu thiếu đi kỹ năng sống và sự trách nhiệm. Mỗi người hãy cố gắng hoàn thiện mình từng ngày, để trở thành những người chồng, người vợ và những người cha, người mẹ tốt hơn. Bởi rằng hôn nhân không phải là một cuộc chơi mà là một hành trình học hỏi, chia sẻ và trưởng thành./.