Tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vô cùng lớn. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng triệu lao động đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, dịch bệnh bùng phát, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, tâm lý lo ngại ở nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho người lao động nghỉ việc về quê. Nhiều người đã tự phát về quê bằng các phương tiện cá nhân. Cũng có nhiều người về quê theo kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo theo dõi y tế, phòng, chống dịch Covid-19.

Số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Điều này cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

Đặc biệt qua, khảo sát từ nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Hiện nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai….

Đây là thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, với tình hình dịch bệnh như hiện nay mà không tạo ra một luồng xanh an toàn cho người lao động thì rất có thể họ sẽ lựa chọn ở lại quê ăn Tết hơn là quay trở lại sản xuất trong vòng mấy tháng chưa đảm bảo an toàn, ông Bình phân tích. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng cơ chế thuận lợi cho "di chuyển xanh" để doanh nghiệp, người lao động an tâm khi quay trở lại làm việc.

Ngoài ra ông Bình cũng khuyến nghị: Để đảm bảo nguồn cung lao động, các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Chúng ta bỏ một đồng chi cho an sinh xã hội thì có thể tạo được tâm lý và sự yên tâm cho người lao động, thu hút giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo ra sự hăng say và năng suất lao động cao. Các doanh nghiệp nên quan tâm lưu ý những việc nho nhỏ như vậy”. Ông Bình khuyến cáo.

Chuẩn bị cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu chế xuất, Khu công nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp… Trong đó, tập trung đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...

Từ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê. Tuy nhiên, qua khảo sát của Hội, phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với doanh nghiệp rất cao nên dù có về quê họ cũng có thể sớm quay trở lại ở đạt ở mức 70% - 80%.

“Đại dịch đã khiến cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dệt may có cái nhìn sâu hơn về việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã lập Quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Đồng tình với các giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra, thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện tại, để có thể thu hút được lao động và sản xuất an toàn trở lại phải tiếp tục tiêm phủ nhanh vaccine cho người lao động, đồng thời cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.

“Chúng ta sẽ phải tăng cường tiêm vaccine. Và để bảo đảm sản xuất an toàn thì trước hết về y tế phải xây dựng được năng lực y tế đủ mạnh để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Thứ hai là chính bản thân các doanh nghiệp, cần chính sách về bảo đảm an toàn trong sản xuất để người lao động yên tâm công tác”, thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu quan điểm.

Ông Hồi đề nghị, các doanh nghiệp phải xắp sếp, tổ chức lại nơi ở, nơi làm việc bố trí không gian đảm bảo nơi làm việc an toàn cho người lao động. Đặc biệt, sau khủng hoảng này, cần đào tạo lại vị trí việc làm cho người lao động để họ quay trở lại ngay và không bị đứt gãy sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cũng cho rằng, cần đảm bảo giao thông thông suốt, lưu thông hàng hoá; đảm bảo giải pháp “đầu vào - đầu ra”, đồng nghĩa với việc giảm giá thành, mở rộng thị trường hàng hoá, xuất khẩu. Các cơ quan, ban, ngành tăng cường cải cách hành chính, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường tuyên truyền, tránh thông tin sai lệch về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước với người lao động; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, hướng tới mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội. Và quan trọng nữa là tăng cường hiện đại hoá thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu lao động hiện đại…Việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất một Đề án tổng thể liên quan đến hiện đại hóa thị trường lao động.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tăng cường hiện đại hóa kết nối cung cầu và người tìm việc, việc tìm người thật dễ dàng thông qua hệ thống điện tử online. Việc này, Cục việc làm đang đề xuất một Đề án tổng thể liên quan đến hiện đại hóa thị trường lao động. Thông qua mạng lưới về điện tử và online. Qua đây, cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu để nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động”, ông Hồi thông tin.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay, góp sức chăm lo cho công nhân, trong đó nhiều doanh nghiệp ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động như một biện pháp hiệu quả để giữ chân người lao động./.