Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Tiền, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng gió là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo được xác định rõ tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và đang dần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế để phát triển năng lượng gió.

Trong quá trình phát triển bền vững, việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là tất yếu. Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Việc phát triển điện gió chính là hướng đi mới, phù hợp với xu thế Thế giới, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trọng những giải pháp góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Tính đến nay, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phát triển điện gió ngoài khơi với các dự án đã được lắp đặt hiện đạt 99 MW. Trong bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiện hành, nước ta đặt mục tiêu nâng tổng công suất điện gió lên 6.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, để phát triển nguồn năng lượng này, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp như rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý, ưu đãi đầu tư chưa thu hút Nhà đầu tư nước ngoài…

Với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi ngành năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu để đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển bền vững. Theo tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Chính vì thế, để tháo gỡ những vướng mắc này cho các doanh nghiệp, cần thực hiện các giải pháp cụ thể.

Đề cập chính sách cho vay vốn với các dự án điện gió, ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Trưởng phòng tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có cơ chế cho vay lãi xuất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất năng lượng sạch; năng lượng tái tạo... với số tiền cho vay lên tới tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một Chủ đầu tư. Nguồn lực tài chính là một cấu phần quan trọng của chuyển dịch năng lượng, việc khơi thông nguồn vốn cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo trong đó có điện gió và hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra. Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT khẳng định, đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai.

Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn, giúp giảm hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới./.