Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, chỉ 27% trong số đó được các doanh nghiệp tái chế, tận dụng. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Theo đánh giá của tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, rác thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có thể lên đến vài trăm năm. "Nếu mà chúng ta không có cách phân loại và xử lý đúng thì cái nhựa đấy sẽ tràn lan ra môi trường"
Đối với người dân, những chương trình truyền thông bảo vệ môi trường như giảm rác thải nhựa hay sống xanh, không dùng đồ nhựa một lần… đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người dân. Hạn chế thải rác nhựa ra môi trường hay không dùng túi nilon… giờ đã trở thành hành động mỗi ngày của các bà nội trợ như bà Nguyễn Thanh Mai ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bà Mai chia sẻ, “chị em hội phụ nữ chúng tôi thường đi chợ bằng làn để hạn chế lấy túi nilon, mỗi ngày hạn chế một ít sẽ giúp giảm bớt túi nilon xả ra môi trường.”
Đi chợ bằng làn, mang hộp đựng thay thế túi nilon… đã phần nào trở thành lối sống xanh của các bà, các mẹ và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án của các tổ chức đoàn thể, nhóm, hội thanh niên như đổi rác lấy cây hay trao rác nhựa nhận lại gạo…. đã và đang nhận được rất sự ủng hộ của đông đảo người dân. Là một bạn trẻ thường xuyên tham gia các chương trình đổi rác lấy cây, Nguyễn Vũ Dung Hà đã có một vườn cây cảnh mini của riêng mình. Không giấu được niềm vui trước những chậu sen đá nhỏ hay xương rồng xinh xinh, Dung Hà cho biết, kết quả của những hành động nhỏ của mình đã thay đổi nhận thức của nhiều người thân trong gia đình bạn bè xung quanh trong việc giảm rác thải nhựa. Dung Hà cho biết, bạn thường xuyên tham gia các chương trình như thế này, mỗi chậu cây nhỏ là một lời nhắc nhở em về việc bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa.
Nhận thức của người dân đã dần thay đổi nên cách ứng xử với rác thải nhựa cũng rất khác so với trước đây. Nếu trước đây rác thải nhựa được đổ chung vào rác sinh hoạt thì hiện nay, nhiều người đã có ý thức phân loại rác, cũng như chủ động hơn trong việc giảm rác thải nhựa như bà Trần Thị Thúy, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bà Thúy cho biết, "đối với phụ nữ chúng tôi thì rất quan tâm đến việc giảm rác thải nhựa bằng các hoạt động áp dụng theo tình hình thực tế. Nhưng theo tôi nghĩ để đi vào cuộc sống sẽ đi vào tình hình thực tế hiện nay để làm thế nào không gây ô nhiễm môi trường.”
Với đặc tính khó phân hủy, khó xử lý, lượng lớn rác thải nhựa và túi nylon được thải ra môi trường mỗi ngày càng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng. Thay đổi nhận thức và hành vi sẽ khiến cho việc bảo vệ môi trường đơn giản hơn. Thay vì tiện tay vứt một chai nhựa, hay túi ni lông ra môi trường thì mỗi người dân sau khi được nâng cao nhận thức sẽ tự động thu gom rác thải nhựa, túi ni lông vào một chỗ, để tiện xử lý. Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cơ chế quản lý rác như thế nào để người ta không vứt rác, đầu tiên là nhận thức thứ hai là người ta không dám vứt và chủ động thu gom ở mức cao hơn. Tránh không vứt rác mà còn chủ động thu gom, đấy mới là thành công thay đổi nhận thức.
Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo. Chất dẻo cần thiết để sản xuất đồ dùng nhựa được làm từ khí thiên nhiên hoặc các dẫn xuất từ dầu thô. Nếu chúng ta sản xuất càng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần đồng nghĩa với việc nguyên liệu hóa thạch không thể tái sinh sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, tái chế một tấn túi nilon có thể giúp tiết kiệm 16,3 thùng dầu thô, giảm lượng dầu được tiêu thụ mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc công ty tái chế cao su LongLong cho biết, nếu tái chế lại các sản phẩm từ nhựa sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lơn. Chính vì vậy nhiều năm qua, những sản phẩm tái chế của công ty đã được thị trường đón nhận vì theo ông Thanh bản thân rác thải nhựa là nguồn tài nguyên rất lớn mà chúng ta dùng nguồn tài nguyên đó với giá rất rẻ. Chúng ta chỉ mất tiền thu gom vận chuyển về để có thể tái sử dụng, để ra một sản phẩm mới, hữu ích, quay trở lại phục vụ con người.
Không chỉ hạn chế rác thải nhựa, vứt rác bừa bãi mà cần chủ động thu gom để tái chế sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong bảo vệ môi trường, hướng tới một cuộc sống xanh sạch, hơn.
Nghe chương trình tại đây: