Các chuyên gia phân tích, với việc giá dầu thô toàn cầu tăng vọt và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới gây sức ép mạnh lên giá xăng dầu tại Việt Nam. Giá xăng tăng là một trong những vấn đề “nóng” tại nghị trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Nhiều Đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu ý kiến “phải minh bạch và khẩn trương kìm hãm giá xăng dầu”. Đó cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhân dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất, xăng là mặt hàng thiết yếu, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. “Tôi cho rằng với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các cơ quan cần có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát mặt hàng này, không để tăng lên quá cao. Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng cần có những công cụ kiểm soát. Công cụ đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… đối với xăng. Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Tình hình giá xăng dầu đang là “biến số” gây tác hại đến lạm phát trên toàn cầu. Hầu hết quốc gia đều thực hiện các chính sách để kiểm soát giá mặt hàng này. Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu sẽ tác động domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác.

“Chúng ta phải chấp nhận một khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Phải tận dụng cơ hội này để giữ mặt bằng giá xăng dầu. Có như vậy mới kiểm soát được lạm phát mà hiện nay các nước khác đang phải trả giá.” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Cùng bàn về các biện pháp kiềm chế giá xăng tăng, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần linh hoạt trong kìm chế giá xăng dầu. Hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ. Để bảo đảm linh hoạt trong kìm chế giá xăng dầu tăng cao, kìm chế lạm phát, đại biểu đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.

“Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này” – Đại biểu Bùi Mạnh Khoa nói.

Đề cập các biện pháp kiềm chế giá xăng tiếp tục tăng, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: “Cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới”.

Thực tế, việc giá xăng, dầu tăng thời gian qua đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Ở khía cạnh tích cực, việc này sẽ giúp tăng khoản thu ngân sách từ dầu thô. Các khoản thu thuế từ xăng, dầu (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tiêu cực, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển tăng và các loại hàng hóa cũng tăng giá. Nếu không có giải pháp cấp bách để khẩn trương khống chế giá xăng tăng, thì phản ứng dây chuyền sẽ gây khó khăn cho phục hồi kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.