Theo ghi nhận thì số lượng trẻ mắc tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp sớm, trẻ tự kỷ sẽ gặp phải rất nhiều những bất lợi và khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ.

Trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn... Tỉ lệ mắc chứng tự kỷ ở nam và nữ là khác nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em trai có tỉ lệ mắc cao hơn trẻ em gái (khoảng 4 lần).

Mặc dù chứng tự kỷ chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ tạo điều kiện giúp trẻ hòa nhập tốt hơn và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tại Trung tâm Phúc Tuệ ở Hà Nội, nhiều trẻ tự kỷ đã có những chuyển biển rõ rệt nhờ phương pháp giáo dục chuyên biệt, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng thần kinh phù hợp với từng cá nhân.

“Ai sinh ra đứa con đều rất hy vọng, đặt cái tên rất đẹp như Anh Đức, Minh Đức, Nhật Minh...Tên các cháu đẹp nhưng cuối cùng lại thiệt thòi, đau khổ, con người ta ốm vài ngày đã khổ, đây coi như ốm triền miên suốt cả cuộc đời” - Bà Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ trăn trở.

Đó là lý do để năm 2001, Trung tâm Phúc Tuệ ra đời. Từ đó tới nay Trung tâm đã giúp hàng nghìn trẻ em khuyết tật trí tuệ đã được chăm sóc, giáo dục, phục hồi sức khỏe tâm thần và hướng nghiệp dạy nghề, giúp các em có cơ hội phát triển bình thường. Không ít trẻ có thể hòa nhập cộng đồng, đi học, đi làm, có khả năng sống độc lập và không trở thành gánh nặng xã hội.

Nguyễn Phạm Thanh Nhã, 14 tuổi bị chứng rối loạn tự kỷ, được gia đình gửi vào Trung tâm từ nhỏ. Dù hạn chế giao tiếp và không hiểu hết những gì người đối diện nói, nhưng Nhã luôn nở một nụ cười tươi, thân thiện đáp lời.

“Lớp A1 có môn tiếng việt, toán, tiếng anh...Có nhiều bạn con thích chơi như Xuân Thế, Ánh Dương, Nguyên Thành...Con thích chơi trò kéo co, nhảy bao bố” – Nhã vui vẻ cho biết.

Bà Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ cho biết, hiện Trung tâm chăm sóc cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trí tuệ, gồm: Down, bại não, nhiễm Dioxin, tự kỷ và các bệnh tâm thần khác. Trung tâm đang áp dụng các biện pháp giáo dục chuyên biệt, phù hợp với từng cá nhân, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng thần kinh bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Ở tuổi 16, dù nhận thức của Nguyễn Hồng Ngọc còn non nớt, nhưng em đã bắt đầu tiếp thu được những bài học mới, và nhất là tìm thấy niềm yêu thích của bản thân.

Ngọc kể “Học ở đây rất vui, con thích vẽ ngôi nhà có nhiều cây và hoa, có nhiều cô giáo và học sinh”.

Trung tâm chia làm 4 nhóm lớp, mỗi nhóm có chỉ số IQ và độ tuổi khác nhau. Tùy theo trình độ và khả năng tiếp thu của từng em mà có chương trình dạy riêng. Các em được học văn hóa, học giao tiếp, điều hòa cảm xúc, vận động tinh, vận động thô, kỹ năng sống, học giáo dục giới tính và dạy nghề hướng nghiệp. Hình thức dạy của trung tâm được phân bổ như sau: Dạy học chữ, vi tính, âm nhạc, thủ công; trị liệu về tâm lý cho hoạt động tập thể, trị liệu cá nhân, mát-xa phục hồi sức khỏe; chữa bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ và dạy nghề hướng nghiệp.

Thật không dễ dàng để chấp nhận sự thật việc con, cháu mình bị tự kỷ. Thế nhưng, việc sớm chấp nhận để tìm ra phương pháp giáo dục tốt nhất, đồng hành cùng trẻ đương đầu với khó khăn là điều rất cần thiết. Môi trường tốt với nhiều hoạt động thiết thực khiến nhiều phụ huynh yên tâm gửi trẻ vào Trung tâm. Hơn 10 năm nay cho cháu học ở đây, bà Lê Thị Thủy, bà nội cháu Trần Quỳnh Anh ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội hy vọng mỗi ngày cháu khỏe hơn một chút, nói nhiều và vui vẻ hơn một chút.

“Tôi thấy môi trường học ở đây rất rốt, các thầy cô nhiệt tình, các cháu có môi trường hòa nhập tốt, được vui chơi, giải trí...Các con cũng được tiếp thu thêm nhiều cái mới” – bà Thủy cho biết.

Tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trụ sở phải đi thuê, nhưng trong suốt những năm qua, cán bộ, giáo viên trung tâm luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để chăm sóc, nuôi dạy thật tốt cho trẻ. Có 15 năm gắn bó với Trung tâm, cô Giang Thị Nhiên mong muốn mang lại tương lai tươi sáng hơn cho các em.

“Trước đó tôi là giáo viên phổ thông, tôi đưa học sinh đi làm tình nguyện viên và được tiếp xúc với các trẻ ở Trung tâm, thấy hoàn cảnh các em rất thương. Tôi quyết định theo học một số khóa tâm lý giáo dục đặc biệt và chuyển sang đây dạy các em” – cô Nhiên chia sẻ về cái duyên đến với trẻ tự kỷ.

Cô Nhiên tâm sự “Tôi thấy công việc này vô cùng có ích và mong muốn làm nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho các trẻ gặp thiệt thòi”.

Việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là một hành trình gian nan, đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Dù hàng năm trời mới có thể gieo vào đầu trẻ một con chữ hay làm một phép cộng đơn giản, nhưng chứng kiến sự lớn lên, tiến bộ từng ngày của trẻ là niềm hạnh phúc khó đong đếm của các thầy cô nơi đây.

Bà Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ kể “Niềm vui nhỏ nhoi là thấy đứa trẻ mọi lần không nói lời nào, giờ bật ra được một lời là mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhiều khi không cần nói ra mà chỉ cần nhận biết được, nhìn thấy mình mặc cái áo màu đẹp, nó sờ và cảm thấy vui. Tôi nghĩ đó là niềm vui không dễ gì mua được, không dễ cảm nhận được”.

Chẳng biết từ khi nào, Trung tâm Phúc Tuệ đã trở thành chốn bình yên, trở thành mái nhà ôm ấp, vỗ về những trái tim thơ dại./.