Lượng người dùng Podcast trong những năm qua tăng đáng kể. Năm 2022, ghi nhận 274 triệu người sử dụng phương thức này, năm 2023 con số này đã chạm mốc 465 triệu người. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xu hướng và tâm lý tiếp cận truyền thông của công chúng đã và đang thay đổi mạnh mẽ.
Công chúng phát thanh trẻ ở Việt Nam cũng như vậy. Họ không còn ngồi hàng giờ để nghe các chương trình radio thu sẵn (gọi là cách nghe thụ động), mà họ đang chuyển sang cách nghe bất cứ lúc nào họ muốn, ở bất cử đâu và trên bất cứ nền tảng nào.
“Em hay nghe đài qua nền tảng số bởi tiết kiệm thời gian. Chỉ cần có điện thoại thông minh là em có thể chọn nghe các chương trình mà em muốn ”- Bảo Yến, sinh viên đại học Kinh tế Công nghệ Hà Nội chia sẻ.
Còn với sinh viên Đức Minh, em chọn cách nghe Đài qua nền tảng số bởi cảm thấy rất thuận tiện: “Em nghe Podcast, các chương trình phát thanh qua chiếc điện thoại di dộng… dù đang làm gì, nhưng muốn nghe đài, em vẫn có thể vừa nghe, vừa làm”.
Một khảo sát về nhu cầu mới của công chúng phát thanh ở Việt Nam với thính giả ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh là cán bộ, công chức; người về hưu; lái xe, công nhân, kinh doanh, học sinh, sinh viên; nông dân, lao động tự do, nội trợ… cho thấy, cách thức nghe đài của công chúng cũng đã và đang thay đổi rõ rệt. Nghe đài tại nhà tuy chiếm tỷ lệ cao nhất 52,6% nhưng số người nghe đài trên ô tô lên tới 48,1% và có đến 37.9% số người nghe đài ở bất kỳ nơi nào thông qua nền tảng số. Những sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội tham gia khảo sát chia sẻ, họ vẫn thích nghe Đài, nhưng có chọn lọc, chương trình nào thích họ sẽ tìm nghe qua các nền tảng số.
Nghe đài trên nền tảng công nghệ số (nghe đài bằng cách tải app trên điện thoại thông minh) giúp mọi người có thể nghe đài mọi lúc, mọi nơi, vô cùng thuận tiện. Mặt khác, thói quen nghe đài trên nền tảng công nghệ số giúp các nhà sản xuất chương trình, hay ê-kip thực hiện có thể dễ dàng đón nhận phản hồi từ thính giả, từ đó kịp thời điều chỉnh nội dung theo hướng hấp dẫn, thu hút và giữ chân lượng thính giả của kênh mình. Đó cũng là mong muốn của giới trẻ khi nghe đài trên nền tảng số.
Là một người trẻ thường xuyên nghe nhiều nội dung audio trên các nền tảng số, Kim Khánh, sinh viên Đại học Thương mại cho rằng, nhiều người trẻ đang gặp khó khăn trong quá trình chọn lọc nội dung để nghe và có nguy cơ bị nhiều nội dung độc hại xâm chiếm và thao túng. “Tôi thấy các nội dung được truyền tải dưới hình thức audio hiện nay rất là nhiều. …Trước những nội dung như vậy, người nghe dễ bị bội thực và giải pháp chỉ còn cách tự người nghe biết chọn lọc thật kỹ càng”- Kim Khánh nhận xét.
Trần Trang, sinh viên năm thứ 4 cũng chia sẻ, nhiều người vẫn nghĩ là việc nghe đài hiện nay chỉ được những người lớn tuổi ưa chuộng hơn…nhưng thực ra giới trẻ vẫn thích nghe radio. “ Việc sở hữu những thiết bị công nghệ hiện đại giúp em có thể làm được nhiều việc cùng một lúc. Em thường vừa nghe tin tức thời sự trên đài, vừa làm việc hoặc thậm chí vừa nghe đài, vừa nấu nướng, ăn cơm. Nghe đài không chỉ giúp em cập nhật được các tin tức, tình hình xã hội, mà còn giúp em giải trí", Trần Trang nói.
Giới trẻ đang cần được đáp ứng như nhu cầu tương tác, nhu cầu được nghe tin tức, nghe trong quá trình di chuyển, qua các nền tảng, hạ tầng ngoài chiếc radio truyền thống...Họ cũng mong muốn đội ngũ phóng viên, biên tập viên chương trình, dẫn chương trình đổi mới mạnh mẽ từ khung chương trình, kết cấu chương trình, cách cập nhật tin tức, cách dẫn dắt và tạo cơ hội tương tác, có như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thính giả hiện nay./.