Sức hút từ tiếp thị liên kết

Đi học, tốt nghiệp, xin việc làm và 8 tiếng văn phòng được xem là lộ trình cơ bản của người trưởng thành có việc làm và thu nhập ổn định. Lộ trình này đang bị phá vỡ bởi nhiều người trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z, họ đã tự tạo công việc của mình bằng nghề sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội và có thu nhập từ hình thức tiếp thị liên kết.

Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) là một mô hình quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, các nhà phân phối (chính là các tiktoker/ youtuber/ blog… gọi chung là KOC) dựa trên năng lực, sự hiểu biết của mình sẽ thực hiện tiếp thị, thu hút khách hàng mua hàng của nhà cung cấp. Từ đó nhà phân phối sẽ nhận được hoa hồng từ nhà cung cấp với mỗi đơn hàng thành công.

KOC là viết tắt của cụm từ Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt. Hay nói cách khác, họ là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường, có nhiệm vụ chính là dùng thử các sản phẩm, dịch vụ có mặt trên thị trường sau đó đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình mang tính chuyên môn và khách quan nhất.

(Tham khảo nhiều nguồn)

Nguyễn Thanh Nga sinh năm 1998 là người mê du lịch và chụp ảnh. Từ khi còn là sinh viên, Nga đã xây dựng kênh youtube và tiktok cá nhân để đăng những hành trình, câu chuyện trong cuộc sống.

Internet luôn biến những thứ tưởng như để giải trí vô thưởng vô phạt thành cơ hội và hái ra tiền. Các video ngắn của Nga bắt đầu lên xu hướng, lượt xem từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Các nhãn hàng tìm đến hộp thoại tin nhắn của cô chủ nhỏ để liên lạc.

"Kênh Youtube em chưa kiếm được nhiều tiền nhưng giúp em được nhiều người biết đến. Kênh Tiktok review đồ ăn, quán cafe được lượng người xem đông nên em được book với giá khoảng 1-3 triệu đồng/ clip" - Nga nói.

Bà mẹ bỉm sữa Nguyễn Hiền Trang ở Quảng Ninh cũng bắt đầu làm tiktok với lý do giải trí lúc chăm con nhỏ. Lúc đầu chỉ là một vài cảnh quay cuộc sống thường nhật của con từ khi nằm nôi đến tập tọe gọi mẹ.

"Ngay video đầu tiên em đã nhận ra tiềm năng kiếm tiền từ Affiliate Marketing, mình nói về các sản phẩm mình đang dùng cho con mình, ai mua mình sẽ được trích hoa hồng" - Trang chia sẻ, càng nhiều đơn càng nhiều tiền. Cô không còn thấy lạ khi mẹ bỉm sữa tập trung sản xuất nội dung cho tiktok có thể kiếm vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/ tháng.

Gương mặt ưa nhìn, nói năng lưu loát, cảnh quay có thể chưa đẹp nhưng chân thực đã góp phần đưa kênh tiktok của mẹ bỉm sữa đến các nhãn hàng chuyên đồ của mẹ và bé.

"Chỉ cần nội dung hay, đúng trend. Em thường đọc sách nuôi dạy con và đi theo tuyến nội dung mình tham khảo. Nhiều mẹ không có thời gian đọc sách, họ thích lướt video ngắn nên nội dung trở nên thịnh hành" - công việc khiến thu nhập thụ động của Trang lên đến 15 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2023 được xem là “quả ngọt” của thương mại điện tử. Doanh thu trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam đã tăng hơn 53% lên hơn 232 nghìn tỷ đồng. Con số đó có sự đóng góp tích cực của những người mua hàng là thế hệ gen Z và ngay cả bố mẹ ông bà của gen Z cũng dần có cảm tình với mua hàng online. Và vì vậy những bà mẹ bỉm sữa như Hiền Trang cũng có thể kiếm tiền nhàn rỗi chỉ sau một tháng bước chân vào giới tiktok.

Sức hút của công việc đã khiến nhiều học sinh, sinh viên tham gia vào thị trường này. Chỉ cần am hiểu một chút công nghệ quay dựng video, biết giao tiếp trước ống kính đã có cơ hội xây dựng hình ảnh cá nhân và kiếm tiền online thông qua tiếp thị liên kết. Nguyễn Cẩm Tú, sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết, kiến thức quay, dựng và viết lách được học ở trường đã giúp em bước chân vào nghề này dễ dàng hơn.

"Đây là nguồn thu nhập thụ động vì em chỉ cần làm video về sản phẩm đó và gắn link nhận hoa hồng. Tuy là nguồn thu nhập này chưa ở mức cao nhưng đủ giúp em tự chi trả sinh hoạt phí, tiền trọ, tiền điện nước và nhu cầu mua sắm riêng" - Tú chia sẻ.

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội có 2 hình thức kiếm thêm thu nhập: nhận booking quảng cáo, review, gắn đường link, giới thiệu sản phẩm trên nội dung livestream/video; Nhận hoa hồng từ việc gắn đường link sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - làm việc trong ngành Marketing cho biết, hiện nay nhiều nhãn hàng sẽ lựa chọn các tiktoker/youtuber có lượng theo dõi cao để giới thiệu bán hàng và trích hoa hồng. "Thị trường tiktoker nở rộ nên giá cả cũng nhiều mức. Ví dụ trước đây, nhà cung cấp sản phẩm thuê các KOL có giá cao thì với các KOC từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng cũng có".

KOL viết tắt của Key Opinion Leader, là chuyên gia có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng nhờ kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực, ngành nghề mà họ hoạt động.

KOLs có thể là những chuyên gia, ngôi sao nổi tiếng, nhà báo, doanh nhân, chính trị gia, nhà khoa học hoặc người sử dụng sản phẩm có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. KOLs thường được các thương hiệu tìm đến để quảng bá sản phẩm/ dịch vụ, tăng cường uy tín và xây dựng sự tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu. Các hoạt động của KOLs có thể bao gồm viết blog, đăng ảnh hoặc video trên mạng xã hội, tham gia các sự kiện.

(Tham khảo từ nhiều nguồn)

Cẩn trọng trước khi nghỉ việc để trở thành KOC chuyên nghiệp

Sức hút của công việc nằm ở "nguồn vốn" bỏ ra ban đầu. KOC kiếm tiền từ tiếp thị sản phẩm không phải ôm hàng, không đặt cọc, không cần đảm bảo KPI để rồi lo ngay ngáy ế hàng như cách làm truyền thống.

"KOC có rất nhiều lợi thế" - ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia Truyền thông Văn hóa, đồng sáng lập Elite Pr School, nghiên cứu sinh tiến sĩ Truyền thông về chuyển đổi số, phân tích: Bạn được dùng hàng miễn phí, tiếng nói của bạn được lắng nghe ở cả phía nhà cung cấp và người theo dõi mạng, bạn có hình ảnh trên không gian mạng và quan trọng là kiếm được tiền.

Phía nhà cung cấp sản phẩm cũng được góp ý, nhận xét từ phía người dùng để họ hoàn thiện hơn sản phẩm, dịch vụ của họ; nhãn hàng được nhiều người biết đến thông qua KOL, KOC. Hơn nữa, hình thức này chi phí không cao bằng thuê người nổi tiếng, chạy quảng cáo trên truyền hình.

Trao đổi với phóng viên VOV2, chị Hoàng Thị Hồng Nhung - Quản lý hành chính nhân sự Admicro Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần VCCorp cho rằng, trong vòng 1-5 năm tới, khi mà xu hướng giải trí và mua sắm vẫn còn phát triển mạnh thì nghề KOC cũng sẽ phát triển theo, vì các nhãn hàng sẽ liên tục đổ tiền theo hướng này.

"Tôi đã tham khảo nguồn thông tin từ chuyên gia của VCCorp, đối với KOC có danh tiếng, booking 4 tiếng livestream khoảng 50 triệu đồng, hoa hồng 15% doanh số bán được. Nếu một phiên bán được 1-4 tỷ tức thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ phiên live. Đối với bạn mới, booking trên 1 triệu đồng/ phiên live cộng với 15% hoa hồng, trung bình bán được 3-5 triệu đồng/ phiên như vậy thu nhập KOC khoảng từ 1-2 triệu đồng".

Chị Nhung cũng khẳng định, những số liệu này là phần nổi của tảng băng chìm. "KOC không chỉ giới thiệu mà cần phải có kiến thức kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Yêu cầu của nhãn hàng ngày càng cao hơn, chất hơn, họ sẽ quan tâm nhiều đến tỷ lệ chuyển đổi thành công đơn hàng khi book KOC chứ không phải chỉ lượng người xem - thứ KOC mang lại ở giai đoạn đầu".

Nghe chương trình tại đây:

Việc sử dụng KOC- người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng giải quyết được tất cả băn khoăn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến như được ngắm nhìn sản phẩm và nhận tư vấn trực tiếp nhanh chóng bởi người bán. Đó là cuộc chơi cảm xúc. Tuy nhiên, hào quang nào cũng lấp lánh mồ hôi. "Để có video khoảng 1 phút thì phải bỏ ra 2-3 tiếng sản xuất. Nhiều hôm em phải thức đêm để làm" - bà mẹ bỉm sữa Hiền Trang chia sẻ.

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội và kiếm ra tiền vẫn là mật ngọt trong vạn trái đắng từ thị trường lao động hiện nay. Chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng ở Trung Quốc đã thừa nhận livestream là một nghề nhưng ở Việt Nam nên gọi là "công việc" chứ chưa trở thành nghề.

Ông Thành cho rằng nếu bạn muốn KOC trở thành một nghề thì bạn phải rất xuất sắc. "Ngoài tài năng, khiếu ăn nói bạn cần có tư duy đúng về nghề; yếu tố thứ 2 là thái độ chuyên nghiệp với nhãn hàng, công chúng phản hồi; am hiểu để tránh vi phạm pháp luật; kiến thức nền giúp bạn nói hay hơn, sâu hơn" - đây là bộ mindset bạn cần có - chuyên gia Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh, ngoài 4 trụ "Tư duy tốt, thái độ, kiến thức, kỹ năng" nhưng nếu thiếu trụ thứ 5 bạn sẽ làm công việc hết sức nguy hiểm đó là đạo đức nghề nghiệp. "Làm việc gì cũng cần có đạo đức. Đạo đức của công việc này là để không quảng cáo cho những sản phẩm thiếu chất lượng, có lời nói thiếu trung thực...".

Tiktoker Nguyễn Thanh Nga cũng thừa nhận cái khó của nghề này đó là dám từ chối hợp đồng béo bở. "Em trải nghiệm sản phẩm/ dịch vụ thấy không tốt, không thể nói theo nội dung người ta mong muốn thì em sẽ không lên video dù đã tốn thời gian quay" - Nga chia sẻ. Chính vì vậy, dù thu nhập từ 2 kênh mạng xã hội mang đến cho Nga cuộc sống thoải mái ở đất Thủ đô nhưng cô gái vẫn không từ bỏ công việc full time ở công ty truyền thông.

"Lời khuyên cho các bạn muốn xây kênh kiếm tiền là hãy cần cân nhắc một công việc chính tạo ra thu nhập ổn định cho bản thân thay rồi dành thời gian còn dư cho "nghề" KOC khi thu nhập khởi điểm chưa ổn định, thay vì đầu tư 100% công sức vào đấy" - chị Hoàng Thị Hồng Nhung - Quản lý hành chính nhân sự Admicro Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần VCCorp chia sẻ./.