Đặt mình ở vị trí của cha mẹ

Trong bức thư đầu tiên, Hoàng Long, một chàng trai đặt mình ở vị trí một người mẹ viết thư gửi cho con của mình.

“Khi em được một người bạn chia sẻ tấm ảnh đầy trong trẻo của một đứa trẻ đang tò mò về bông hoa Thược Dược. Ngay lúc ấy, em đã nghĩ rằng liệu lúc mẹ của bé chụp tấm ảnh ấy thì mẹ bé nghĩ gì? Và em đã thử đóng vai làm mẹ như một điều đau đáu trong lòng để viết ra tâm tư của mình. Có lẽ là vì trong cuộc đời này của mình chắc chắn em sẽ không bao giờ có cơ hội được làm mẹ. Bởi em là con trai mà”, Hoàng Long cười hóm hỉnh khi chia sẻ.

Khi quan sát chính những người phụ nữ bên cạnh như mẹ, như bà của mình, Hoàng Long tự hỏi trải nghiệm làm mẹ có gì khiến luôn đong đầy sự quan tâm và chăm sóc, có hy sinh mà không cần nhận lại?.

Là một người viết, theo Long việc đóng vai một ai đó để cảm nhận thực sự thú vị khi dễ cảm thông và thấu hiểu mọi người hơn. Hoàng Long hy vọng trải nghiệm tưởng tượng này đúng như những bà, những mẹ đã cảm nhận và mỗi bức thư càng khiến mỗi người mở lòng đón nhận tình cảm gia đình mình trong suốt thời gian từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Mâu thuẫn thế hệ- hãy hiểu cội nguồn là yêu thương

Trên hành trình trưởng thành, người trẻ thường phải đối diện và giải quyết mâu thuẫn nội tại. Việc độc lập với gia đình, người thân như một cách các bạn khẳng định sự trưởng thành. Trong khi đó, cha mẹ, người thân thường chưa sẵn sàng buông tay hay chưa tin tưởng với những lựa chọn của con em mình. Mâu thuẫn thế hệ trong lựa chọn khá phổ biến. Bố mẹ định hướng con đường thế này mới là đúng đắn nhưng người trẻ lại có xu hướng khác.

Điều này theo Hoàng Long, người thân nên hiểu, với người trẻ, chỉ riêng việc được làm chính mình đã giống như sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Đâu đó các bạn cũng sẽ không tránh khỏi những lần sai lầm khi đang tập sống và đối mặt với những lần đầu tiên đầy bỡ ngỡ. Chỉ cần cuối cùng, từ những vấp ngã ấy, bản thân họ sẽ có cho mình những bài học. Nhưng người trưởng thành từ kinh nghiệm bản thân lại mong muốn chỉ ra ngay lập tức những nguy cơ, những khả năng vấp ngã với hy vọng con em mình trưởng thành nhanh hơn, ít trả giá nhất có thể.

Bước vào thời điểm trưởng thành hơn, người trẻ rồi cũng sẽ nhận ra những cư xử, lời nói của mình ít nhiều để lại những tổn thương cho cha mẹ, ông bà, người thân. Nhưng với những bạn trẻ như Hoàng Long, tự mình đối mặt với sai lầm cũng làm nên sự trưởng thành cho mỗi cá nhân. Việc thử ngồi lại chiêm nghiệm lại những việc đã xảy ra, những lỗi lầm của mình ngày ấy, giờ có thể gửi gắm vào những con chữ qua những bức thư, gửi về gia đình được xem như giải pháp cho những điều khó nói, đặc biệt khi người trẻ đã rời xa mái nhà, xa người thân.

“Em thì xa nhà từ năm lớp 9 học trường tỉnh, đại học thì xuống Hà Nội, đi làm thì vào Tp HCM, nên cũng đã quen với việc tự quyết các vấn đề của bản thân. Nhưng mỗi lần rời gia đình thì lại có cảm giác khác nhau nhưng khó để nói ra. Cái chính là ngay trong tâm trí mình mình đã có sự thấu hiểu và mình đau đáu muốn thể hiện tình cảm một cách chân thành, còn chuyện viết thư hay gọi điện hay bằng một cách nào đó nói được lòng mình thì đều ý nghĩa”, Hoàng Long chia sẻ.

Thực ra ba mẹ mình khá nghiêm khắc, kỳ vọng cao ở con nên hay ép mình thi vào trường chuyên lớp chọn nên khoảng thời gian tiểu học đến trung học mình rất sợ ba mẹ và có khoảng cách. Ba mẹ có những quy định khắt khe như chuyện chào hỏi, học hành phải bằng bạn bằng bè, đi chơi phải trước 21h, không được mặc quần đùi ra đường hoặc tóc tai phải cắt ngắn gọn gàng, không được yêu đương lúc còn đi học. Nhưng khi lớn lên mình nhìn lại thì thấy thực sự may mắn ba mẹ luôn tâm sự và chia sẻ, hỗ trợ mình khi vấp ngã. Con yêu ba mẹ!

-Kim Ngân, 17 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh

Tình cảm gia đình là điều em luôn mong muốn nhưng thời điểm hiện tại không bao giờ có được vì nó không có còn vẹn nguyên nữa. Mẹ mất rồi, cha em đã có người vợ mới nên em luôn luôn tìm kiếm lại cảm giác mình có lại gia đình. Nhiều lúc em nghĩ lại ngày trước mình còn nhỏ, nhiều sai lầm, đẩy mình xa ra. Cho đến khi mình hiểu mọi thứ, hiểu chuyện hơn thì lại không có lại gia đình đầy đủ như xưa nữa.

-Như Quỳnh, TP. Hồ Chí Minh

Mình có nhiều mâu thuẫn với ba mẹ, thường xuyên có những tranh cãi như việc mẹ muốn mình cầm tiền để lên thành phố, còn mình muốn mẹ giữ tiền để mua đồ Tết. Tình cảm gia đình của mình giống như nhiều người Việt Nam khác, khó nói ra thành lời mà thể hiện bằng những quan tâm nho nhỏ hằng ngày.

-Phúc Lợi, Sóc Trăng

Gia đình mình chỉ có mẹ và em. Hồi nhỏ mẹ xét nét lắm, từ lời ăn, tiếng nói, điệu bộ. Hồi đó mình cứng đầu lắm, cãi suốt là mẹ đừng nói nhiều, đừng lèm bèm nữa. Nhưng khi va vấp nhiều với cuộc sống mình hiểu ra rằng không có ai rảnh rỗi để lo cho mình từng li từng tí một như mẹ. Mình thương mẹ lắm!

-Vũ Tùng, TP. Hồ Chí Minh

Trước đây khi mới lớn, bản thân mình khó gần với bố mẹ. Nhưng lớn lên mình hiểu được những lo lắng của bố mẹ và điều chỉnh các hành vi để gia đình có được tiếng nói chung.

-Phạm Chi, Hà Nội

Dám thừa nhận về gia đình

Một gia đình mà trong đó, các thành viên là gương mặt đại diện cho thành đạt, thành công ở phương diện nghề nghiệp, thu nhập được xem như mô hình chuẩn về sự ấm êm, đầy đủ, hạnh phúc và đáng tự hào với các bạn trẻ. Nhưng có là đáng xấu hổ nếu gia đình bạn khó khăn, thiếu thốn, nếu các thành viên có những công việc kiếm sống kém sang?

Hoàng Long trong một lá thư đã nhớ về căn nhà cấp 4 bị dột lỗ chỗ, những lần trộn cơm với cháy cạnh đáy nồi cũng được một bữa no, những đồng 2.000 cả tuần mới may mắn sở hữu một lần lần trong khi bạn bè thì ngày nào cũng có… Nhưng dù khi thơ bé hay lúc đã rời xa gia đình, bạn vẫn luôn cảm nhận sự ấm áp, hy sinh của bố mẹ để cho con quãng tuổi thơ trong trẻo, không phải bận mải cơm áo gạo tiền. Việc mẹ "ở nhà, nấu rượu, nuôi lợn” bởi thế luôn nằm trong miền nhớ, trong sự tự hào của chàng trai áo trái.

Không cần phải trách móc các bạn có suy nghĩ chối từ gia đình. Chỉ cần khi đặt những bước chân đầu tiên vào con đường lo cơm áo gạo tiền, các bạn sẽ hiểu việc tự đứng trên đôi chân của mình không đơn giản và lại nặng nhọc hơn nhiều khi kèm theo trách nhiệm nuôi thêm những đứa con. Việc Long viết ra những trải nghiệm về cuộc sống khó khăn nhưng luôn ấm áp của gia đình xuất phát từ trải nghiệm chính bản thân với hy vọng mở ra thêm góc nhìn mới cho các bạn trẻ.

Không phải tự nhiên mình có có câu "lao động là vinh quang". Cho nên câu chuyện nghề nào cũng là nghề, miễn là hợp pháp thì đều xứng đáng được công nhận. Khi mà người khác tạo ra giá trị, giá trị ấy có ích với mình, mình nên công nhận. Bố mẹ nuôi dưỡng con mình bằng nghề nghiệp chân chính. Họ xứng đáng để trở thành niềm tự hào của con cái.

Không có một công thức chung nào cho tất cả các tình huống xảy ra nhưng theo Hoàng Long, bạn trẻ hãy ngồi xuống, suy nghĩ và viết ra những suy nghĩ của mình gửi tới bố mẹ. Viết và ngẫm ngợi sẽ cho bạn cơ hội tỉnh táo, thấu đáo và đầy đủ hơn.

Đã là người trẻ, tức là thời gian sống chưa bằng người lớn tuổi hơn mình dù không hẳn việc cân đo đong đếm kinh nghiệm sống chỉ bằng thời gian. Nhưng dẫu sao thì việc của một người trẻ nên làm chính là lắng nghe và quan sát nhiều hơn để trưởng thành.

Mời quý thính giả bấm nghe trao đổi của Bùi Hoàng Long-Chàng trai áo trái