Nhiều địa phương ở Hà Nội đã thực hiện thí điểm việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thậm chí áp dụng cả quy chế xử phạt, tuy nhiên sự chuyển đối nhận thức của người dân vẫn tương đối chậm. Cần phải có sự quyết liệt đồng bộ hơn để người dân chuyển đổi nhận thức, sớm đưa việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống.

Từ tháng 7/2024, phường Hàng Buồm là địa phương trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được chọn làm thí điểm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc phân loại này được chính quyền phường, công ty môi trường và các đoàn thể tuyên truyền tới tận hộ gia đình, thậm chí nếu các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng sẽ có chế tài xử phạt… Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sau 5 tháng triển khai, phường cũng phải xử phạt hơn 30 trường hợp vi phạm, nhiều nơi người dân vẫn “thờ ơ” với việc phân loại rác tại nguồn.

“Việc phân loại rác nhiều người dân vẫn không thực hiện… đi một vòng các phố vẫn thấy người dân vứt rác bừa bãi, cứ túm vào túi ni lông mặc cho công nhân môi trường thu gom thôi”, chị Phương Thị Ngãi, công ty môi trường đô thị Urenco, chi nhánh Hoàn Kiếm, chia sẻ.

Thực tế, người dân vẫn để rác đúng nơi quy định, nhưng rác thường để lẫn không phân loại, gây khó khăn trong việc thu gom. Nhiều nơi, tổ dân phố đặt sẵn những thùng giấy, bao tải để nhân dân gom bỏ chất thải có thể tái chế, nhưng rất ít người thực hiện đúng. Theo ông Nguyễn Hoàng Đức, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Buồm, mặc dù đã triển khai thí điểm, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không thực hiện đúng bởi lý do: phường không đủ người thực hiện giám sát. “Tại sao nhiều hộ gia đình chưa thực hiện bởi chúng tôi không thể giám sát 24/24… nhiều bác trong ngõ sâu, đi ra đổ rác xong thì đi chợ, đi công việc nên rất khó vận động”, ông Đức lý giải.

Hà Nội đã thử nghiệm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, và Hoàng Mai. Đến nay, các địa bàn thực hiện thử nghiệm, hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác đã được triển khai mạnh mẽ thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, phổ biến những kiến thức quan trọng về chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, cùng với kinh nghiệm và giải pháp giảm rác thải từ quốc tế đến Việt Nam... qua những buổi tuyên truyền.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, tham mưu cho các quận, huyện xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án "Triển khai thí điểm Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Nhiều nơi, công ty thu gom vận chuyển rác còn tạo ra điểm tiếp nhận chất thải tái chế để đổi quà cho dân. Theo chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên công ty Urenco chi nhánh Hoàn Kiếm, người dân cần hiểu đúng, hiểu rõ về quy định phân loại rác tại nguồn, để giúp công nhân môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. “Nhiều bác vẫn nghĩ chúng tôi phải chuẩn bị 4 thùng riêng biệt để đựng rác… các bác cần hiểu đúng, phân loại rác phải thực hiện từ gia đình, chứ không phải đến nơi thu gom mới phân loại”.

Đến tháng 1/2025 Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn thành phố về việc phân loại rác tại nguồn. Theo bà Lê Anh Thư, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, mọi trình tự, kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn sàng và sẽ có sự giám sát chặt chẽ, chế độ báo cáo từ các địa phương về tiến độ thực hiện.

Tại Hà Nội, lượng rác thải rắn sinh hoạt mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 - 7.500 tấn, với mức trung bình 0,8kg/người/ngày. Hiện tại, khoảng 62% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, phần còn lại được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh. Theo đó, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60 - 75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15 - 20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25 - 30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy. Nếu thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, áp lực về ùn ứ rác, xử lý rác tại Hà Nội sẽ giảm đi rất nhiều./.