Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam - PV), lúc 9 giờ 30 hôm nay 8.12, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 150 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.

Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị.

3,5 triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. 40% dân số của Thủ đô Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải: Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên, đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, bao gồm: xóa được hơn 96% số lượng bếp than tổ ong, tương đương với giảm 1,658 tấn bụi mịn PM2,5 một năm; giảm gần 70-90% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành so với năm 2017 và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Bốn huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ... Thành phố đã hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí “đặc quánh” về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch…. hiện nay đã không còn.

Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. "Cần phải có biện pháp giảm thiểu xe máy lưu thông trên đường, thay thế bằng các phương tiện công cộng thì tình trạng ô nhiễm môi trường mới có thể được cải thiện”… - PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Không chỉ Hà Nội xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nguyên nhân là do việc xử lý rác thải còn yếu kém, người dân đã tự ý đốt rác thay vì tái chế. Cùng với đó, một số cơ sở tái chế ở các làng nghề sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường dẫn tới tình trạng ô nhiễm.

Trên thế giới từng có thành phố trước đây chỉ số AQI thường xuyên ở mức cao nhưng nhờ cố gắng của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số cũng cải thiện rất nhiều, đó là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí quan trắc nhiều ngày qua vẫn ở mức cao, rất đáng lo ngại.

Ông Ca cho biết thêm, trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhiều người cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt qua các khảo sát tại các bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân tới khám liên quan tới bệnh hô hấp rất nhiều nên trước hết, người dân phải tự bảo vệ mình, phải theo dõi thường xuyên các trang web hoặc các app có chỉ số AQI để biết mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực mình ở để chủ động phòng ngừa.

Khi không khí ô nhiễm, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường. Nếu phải ra đường thì nên sử dụng khẩu trang loại chống được bụi mịn PM 2.5, trong nhà đóng cửa, ra ngoài đường về cũng phải rửa mắt rửa, rửa mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế", TS Vũ Thanh Ca khuyến cáo.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với PGS, TS Vũ Thanh Ca tại đây