Những tiểu thương buôn bán ở khu chợ Châu Long (Quận Ba Đình, Hà Nội) hầu như ai cũng biết bà Nguyễn Thị Nhung bởi bà là người có trái tim nhân hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 30 năm trước, khi cuộc sống còn chưa đủ đầy bà Nhung đã sẵn sàng cưu mang một bà cụ nghèo khó phải đi ăn xin. “Tôi cứ đều đặn, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Thời gian đi hành thiện, không hiểu sao tôi cứ như người ruột thịt của những người thiếu may mắn. Các việc làm như ngấm vào máu tôi, triền miên đi làm từ năm 87. Càng làm tôi càng thấy trẻ, khỏe, vui” - Bà Nhung chia sẻ.

Hơn 30 năm qua, đã có hàng chục người được bà Nhung chăm sóc, nuôi dưỡng, cho học nghề. Có người đã tự lập, có người người đến tuổi trưởng thành lại được bà dựng vợ gả chồng. Trong số này bà nhớ nhất là trường hợp của 2 cháu Trương Đình Tứ và Tạ Long Nhân. Đây đều là trẻ tự kỷ, đã được bà nuôi dưỡng, chưa bệnh thành công.

Kể về trường hợp gặp hai cháu bà Nhung cho biết: “10 năm trước, trong một lần về thăm mộ liệt sĩ ở Quảng Bình, tôi gặp Trương Đình Tứ - một đứa trẻ dù đã mười lăm, mười sáu tuổi nhưng vô cùng ngờ nghệch, đôi lúc có biểu hiện không bình thường, khiến mọi người sợ hãi, xa lánh. Vì xót xa gia cảnh nghèo khổ, thiệt thòi, tôi đề nghị với gia đình được đón cháu ra Hà Nội chữa bệnh. Tôi mang Tứ đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Có lần lên cơn, Tứ đá tung rổ hàng, rồi có lần đang đêm, cháu phá phách, chạy rầm rầm từ tầng 1 đến tầng 5. Tôi đành đưa cháu về nhà, từng ngày một chăm chút, yêu thương. Tình cảm của tôi dành hết cho cháu, thế là cháu khỏi bệnh. Đó cũng là động lực để tôi làm việc thiện nhiều hơn”, bà Nhung trải lòng.

Còn với Tạ Long Nhân, qua thông tin và mối quan hệ với những người buôn bán tại chợ Châu Long, bà Nhung biết đến hoàn cảnh của Nhân. Bố bị thiểu năng trí tuệ, mẹ cũng không bình thường, Nhân phải ở với bà ngoại đã gần 80 tuổi. “Khi đến thăm nhà Nhân – ngôi nhà được ghép bằng tre đắp đất lâu ngày đã bục hết, trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Mỗi lần trời mưa, cả nhà phải ngồi trong nhà mặc áo mưa…Tôi không kìm được nước mắt. Về nhà, tôi bàn với chồng con giúp gia đình bà cụ có cái nhà ở và đón Nhân về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng” – Bà Nhung nhớ lại.

Không chỉ nhường cơm, sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn, bà Nhung còn cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ yếu thế mà bà có cơ duyên gặp gỡ trong hành trình đi làm việc thiện của mình.

Cách đây 20 năm, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Trung Tiến (quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) một mình xuống Hà Nội tìm việc để phụ giúp gia đình. Đang lúc lơ ngơ, chưa tìm được việc, nhưng như một cơ duyên, Tiến gặp bà Nhung ở chợ Châu Long và được bà cưu mang, giúp đỡ. “Bác cho em làm ở cửa hàng của bác, sau một thời gian bác thấy công việc của em không được phù hợp thì bác cho em đi học nghề. Những tuần đầu đi học thì bác suốt ngày hỏi thăm, lo lắng, bác ân cần, chăm chút cho em từng li từng tí, từ kem đánh răng, bàn chải, giấy ăn đến lọ tăm không thiếu thứ gì. Bác như người mẹ của em. Tình cảm đó là điều em không bao giờ quên”. Tiến tâm sự.

Ấn tượng đầu tiên của Nguyễn Văn Thiện khi gặp bà Nhung đó là một người phụ nữ nhanh nhẹn, phúc hậu, với nụ cười luôn nở trên môi. Chỉ cần nghe ở đâu có người khó khăn là bà sẵn sàng giúp đỡ. Những ngày đầu khi mới xuống Hà Nội, Thiện được bà Nhung cho phụ bán hải sản ngoài chợ. Lâu dần thấy em ngoan, làm được việc, bà tạo điều kiện cho Thiện mở cửa hàng riêng và mua cho em ngôi nhà trên phố Châu Long. Nhờ sự giúp đỡ của bà mà từ một cậu bé thất nghiệp, lang thang trên đất Thủ đô, giờ đây Thiện đã có một chuỗi cửa hàng bán hải sản và một gia đình hạnh phúc. “Bà là người có tấm lòng quá từ thiện, cái gì bà cũng có thể cho đi mà không cần tính toán. Năm 2012 ông bà tạo điều kiện mua cho một căn nhà ở 33 Châu Long, bây giờ làm ăn cũng tạm ổn, nhân ra được thêm mấy cơ sở kinh doanh, cảm ơn ông bà đã dìu dắt đến bây giờ, không có người nào được như ông bà”. Thiện xúc động.

Không dừng lại ở đó, tấm lòng nhân ái của bà Nhung còn thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện khác. Hơn 3 năm nay, hầu như tháng nào bà cũng góp 1 tạ gạo cùng nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” nấu cháo tặng bệnh nhân nghèo. Đáng quý hơn, khi thấy nhóm không có trụ sở hoạt động, bà Nhung quyết định bỏ ra số tiền tích góp được trong 20 năm buôn bán của mình, mua ngôi nhà 4 tầng ở phố Lạc Nghiệp, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), giao cho các thành viên trong nhóm quản lý, làm nơi liên lạc, kết nối để thuận tiện hơn trong hoạt động từ thiện.

Làm việc thiện là hoạt động nhân văn và văn hóa. Làm việc thiện và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, đến người nghèo đã ngấm vào máu, vào da thịt của bà Nguyễn Thị Nhung. Bà luôn mong muốn tất cả xã hội, cộng đồng ai ai cũng có trái tim thiện. Khi mỗi người có lòng thiện, cảm thông với những mảnh đời khốn khó khi đó tất cả mọi người sẽ được sống trong môi trường ấm no và hạnh phúc./.

Mời nghe chương trình tại đây: