Cậu học trò khiếm thị trong gia đình nghèo

Ngay từ nhỏ, Trần Việt Hoàng đã thiếu sự che chở của cha. “Em còn một chị gái nữa. Mẹ là mẹ đơn thân”, Hoàng chia sẻ.

Mẹ của Hoàng - Trần Thị Sen, là trụ cột trong gia đình nhưng lại mắc trọng bệnh, hàng tháng phải di chuyển hàng trăm km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để điều trị. Cuộc sống vốn đã phải tằn tiện càng trở nên thiếu thốn. Tuy nhiên, đấy chưa phải là thiệt thòi lớn nhất với cậu bé Trần Việt Hoàng.

Hoàng cho biết từ lúc lên 5 tuổi, em đã thấy mắt có những biểu hiện bất thường, nhìn mờ. Mức độ ngày càng tăng. “Khi em lên 5 tuổi, mắt em mờ dần và 10 tuổi thì em không nhìn thấy gì nữa”, Hoàng kể.

Dù túng thiếu nhưng mẹ và bà ngoại vẫn vay mượn để đưa em đi khám và chữa trị. Em được chẩn đoán bung võng mạc mắt. Sau 4 lần phẫu thuật, chi phí rất tốn kém nhưng kết quả không được như mong đợi. Suốt từ đó đến nay, Trần Việt Hoàng phải sống trong bóng tối. Đó là thiệt thòi khó nói thành lời, bởi ngoài những bất tiện khi không thể quan sát, em còn mất đi nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân, đồng thời phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Hành trình vượt khó

Chứng kiến gia cảnh và khiếm khuyết mà Trần Việt Hoàng gặp phải, ai cũng chạnh lòng. Tuy nhiên, ông trời đã không lấy đi của ai tất cả. Bên trong dáng vẻ mảnh mai của Trần Việt Hoàng là ý chí vươn lên mạnh mẽ. Hành trình vượt khó cũng như kết quả học tập, tham gia các hoạt động xã hội của Hoàng phần nào nói lên điều đó.

Với sự động viên, hỗ trợ của Hội Người mù huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Trần Việt Hoàng đã tiếp cận và học chữ nổi braille từ rất sớm. “Đúng lúc em không nhìn thấy gì nữa thì các chú ở Hội Người mù huyện Can Lộc đến động viên em, thắp sáng niềm tin về tri thức cho em. Hội dạy em học chữ braille, kết nối để em trở lại trường học và hỗ trợ em sách vở và đồ dùng học tập nữa”, Hoàng kể.

Dù học theo chương trình hòa nhập, không thể quan sát như các bạn sáng mắt nhưng Hoàng vẫn đạt thành tích cao. Từ lớp 1 đến 12, Hoàng luôn là học sinh xuất sắc, đứng tốp đầu của lớp. Đặc biệt, năm 2019 - khi đang là học sinh lớp 12A2 trường THPT Đồng Lộc, Hoàng còn giành được học bổng trị giá 2,2 tỷ đồng của Đại học Fulbright Việt Nam.

Là sinh viên khiếm thị nhưng Hoàng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời vận dụng kiến thức đã học để tạo thu nhập trang trải cho cuộc sống xa quê. “Em là sinh viên ngành khoa học máy tính. Năm thứ hai em đã đi thực tập, sang năm 3 em bắt đầu đi làm. Hiện tại em đang là lập trình viên, công việc chủ yếu liên quan đến các sản phẩm công nghệ”, Hoàng cho biết.

Thấu hiểu khó khăn, trở ngại của những người đồng tật, năm 2021, Hoàng đã mở lớp dạy lập trình cho người khiếm thị. Là người sáng lập và điều hành dự án Innerlight Vietnam, Hoàng cũng chia sẻ các công cụ công nghệ mới để hỗ trợ người khiếm thị.

Bận rộn với công việc và học tập nhưng Hoàng vẫn đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam với rất nhiều hoạt động hướng đến người khiếm thị. “Ngoài hoạt động của mạng lưới, em còn thực hiện một số việc cá nhân như dạy lập trình cho các bạn khiếm thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Em cũng tổ chức dạy online một số khóa tương tự cho những bạn khiếm thị”, Hoàng cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, Hoàng còn tham gia một số cuộc thi và giành được kết quả rất đáng khích lệ. Có thể kể đến là Giải Nhì đọc viết nhanh chữ Braille do Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; Giải Ba cuộc thi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam của đại học Fulbright Vietnam; Giải Nhì cuộc thi thuyết trình, hùng biện do mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam tổ chức.

Hoàng cũng nhận được bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội; được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 35 tấm gương tiêu biểu của chương trình “tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.

Nhìn vào quá trình vượt khó với những thành tích mà Trần Việt Hoàng đạt được, bạn bè đều thán phục. “Em thấy Hoàng gặp rất nhiều khó khăn nhưng bạn ấy luôn trong trạng thái sống tích cực, không ngừng vươn lên trong học tập, công việc. Nhìn vào đó, em thấy như có thêm động lực để học tập, làm việc tốt hơn”, Lê Thảo Nguyên, sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội chia sẻ.

Với những gì Hoàng đã làm và đạt được cũng khiến cộng đồng, trong đó có chủ các công ty, doanh nghiệp cũng thay đổi cái nhìn về người khiếm thị. Bà Nguyễn Thị Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Du học Nhật và Nhật ngữ Go to Japan là một trong số đó. “Tôi thấy các bạn khiếm thị có khả năng sử dụng máy tính như các bạn bình thường khác. Các bạn khiếm thị là thiệt thòi khi mất đi khả năng nhìn nhưng bù lại, các có khả năng tập trung tốt, suy nghĩ sâu sắc”, bà Hải chia sẻ.

Bí quyết vượt qua trở ngại

Con đường nào dẫn Trần Việt Hoàng đến Đại học Full Bright Việt Nam với gói học bổng trị giá 2,2 tỷ đồng? Điều gì đã thôi thúc chàng sinh viên khiếm thị vừa học, vừa làm và tham gia các hoạt động xã hội? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết.

Hoàng chia sẻ chưa bao giờ muốn dấu con đường em đã đi qua. Mục đích là để truyền cảm hứng, tạo thêm động cho những người không may mất đi ánh sáng của đôi mắt như mình vươn lên.

Hoàng kể em biết đến Đại học FullBright Việt Nam qua một buổi định hướng của Quỹ Khát vọng. Sau đó, em tự tìm hiểu rồi nộp hồ sơ ứng tuyển như bao ứng viên khác. Em đã vỡ òa cảm xúc khi nhận thông tin giành được học bổng 2,2 tỷ đồng của ngôi trường danh tiếng này. Tuy nhiên, để theo học được tại đây em phải vượt qua rất nhiều trở ngại. “Trở ngại lớn nhất là do em học ở quê, thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức nên khi bước vào môi trường mới, em rất vất vả mới có thể thích nghi được, đặc biệt Đại học Full Bright Việt Nam là ngôi trường quốc tế, ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Anh”, Hoàng chia sẻ.

Hoàng cho biết để vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại, em luôn chủ động học hỏi, tìm kiếm sự trợ giúp từ mọi nguồn. Trong đó, yếu tố em luôn coi là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công là sự tự tin. “Em luôn nói với chính mình rằng ‘mắt tôi mù nhưng trí tuệ tôi sáng’. Em tự tin vào chính bản thân mình. Em nghĩ để thành công có nhiều việc cần phải làm nhưng điều đầu tiên và căn bản nhất là mình phải luôn duy trì sự tự tin, tự tin vào bản thân mình, tin tưởng vào khả năng và kiến thức của mình”, Hoàng tâm sự.

Thực tế cho thấy sự tự tin là nền tảng cho thành công. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng mà nhà văn Helen Keller từng đúc kết: “Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu sự tự tin”. Câu chuyện về hành trình vượt khó của chàng trai khiếm thị Trần Việt Hoàng là ví dụ rất sinh động.

Nghe bài viết dưới đây: