Không ít bậc cha mẹ đã phải trải qua những tháng ngày khủng hoảng, bế tắc khi biết con mình bị tự kỷ. Thế nhưng họ sẽ không đơn độc trên hành trình tìm lại hạnh phúc cho con khi có sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, từ những trung tâm chuyên môn. Trong ngôi nhà dành cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm xã hội tỉnh Quảng Ninh, đằng sau những âm thanh lộn xộn luôn ẩn chứa những hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho trẻ.

Như biết bao gia đình không may có con bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, gia đình chị Dương Thị Lan gửi con vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh với hy vọng một ngày con có thể trở lại bình thường như bao bạn đồng trang lứa.

“Bé nhà mình năm nay gần 3 tuổi, sự giao tiếp giữa bé và gia đình hạn chế, đưa bé đến đây mong con cải thiện nhận thức, khả năng chú ý và ngôn ngữ của con” - chị Lan tâm sự.

Ngồi chờ đón cháu mà ông Trần Hữu Văn vẫn không khỏi lo lắng, bởi cháu ông năm nay đã bước sang tuổi thứ 5 mà vẫn chưa nói được. Ông Văn luôn nuối tiếc vì đã không phát hiện ra bệnh của cháu sớm hơn.

Ông Văn cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng của cháu hiện tại là cha mẹ không dành thời gian quan tâm, chăm sóc cho con. “Bố mẹ cháu có khi đi làm 12 tiếng, về tới nhà mệt quá rồi không dạy được con. Ông bà thì già cách giáo dục không phù hợp với con trẻ. Sểnh ra là bố mẹ quẳng cho các điện, ipad...con cứ cắm mặt vào đó” - ông Văn chia sẻ thêm.

Để trẻ có những tiến bộ từng ngày đòi hỏi mỗi người dạy như cô Đinh Phương Thảo ngoài sự kiên nhẫn và giàu lòng trắc ẩn còn đòi hỏi có chuyên môn vững vàng.

Cô Thảo cho biết, khi một bé đến tham gia đánh giá, sàng lọc thì trước khi hỗ trợ can thiệp thì trung tâm phải đưa những đánh giá sát với thực tế, có những kế hoạch phù hợp với từng con. Nếu đánh giá không chuẩn thì việc xây dựng kế hoạch không đúng, khi đưa vào can thiệp thì phải thay đổi ngay.

Đồng hành với trẻ trong quá trình trị liệu còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cô và gia đình. Bởi cha mẹ chính là người tiếp xúc với trẻ hàng ngày, hiểu rõ từng thói quen, sở thích của trẻ, là sợi dây kết nối trẻ với thế giới bên ngoài.

“Cả quá trình hỗ trợ cho một bé từ giai đoạn sàng lọc, đánh giá đến tư vấn, trị liệu đòi hỏi sự nỗ lực ở các cô rất nhiều, trong đó gia đình cũng rất quan trọng” - chị Thảo khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng Tư vấn, trợ giúp và hành chính, Trung tâm xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, mô hình trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí được Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2012. Hơn 10 năm qua, Trung tâm đã can thiệp, hỗ trợ cho các trẻ đến từ nhiều địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái, Ba Chẽ, Tiên Yên...

Trước khi vào can thiệp, trị liệu, trung tâm sẽ tiến hành đánh giá mức độ phát triển theo những mức nhất định, so với tuổi thực và khả năng của trẻ. Hầu hết những trẻ được can thiệp đều có những tiến triển nhất định, có mức độ phát triển bình thường và dần trở về với tuổi thực của mình.

Thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, Trung tâm xã hội tỉnh Quảng Ninh đã can thiệp, trị liệu cho hơn 300 trẻ, đánh giá, sàng lọc cho hàng nghìn trẻ, từng bước giúp các em hòa nhập tốt với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Để dạy trẻ tự kỷ thật không hề dễ dàng, từ việc học nói, nhận biết các giác quan đến hòa đồng với mọi người...Là một người mẹ, với chị Dương Thị Lan, chẳng gì hạnh phúc hơn khi chứng kiến những dấu hiệu thay đổi của con, dù là nhỏ nhất.

Chị Lan vui vẻ khoe: “Sau gần một tháng đưa con tới trung tâm thấy con nhanh nhẹn hơn, đã biết giao tiếp mắt với mẹ và người thân trong gia đình, bắt đầu có thao tác với đồ dùng, đồ chơi”.

Với việc phát triển và mở rộng các dịch vụ trợ giúp xã hội cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, Trung tâm xã hội tỉnh Quảng Ninh đã góp phần can thiệp, giải quyết những vấn đề mà các em và gia đình đang gặp phải.

Bằng tình yêu, sự kiên trì của cha mẹ và sự nỗ lực trị liệu của các cán bộ Trung tâm xã hội tỉnh Quảng Ninh, tin rằng trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí sẽ được hỗ trợ và chăm sóc toàn diện, sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn phía trước./.