Quyết định lên đường vì muốn thách thức giới hạn của bản thân

Khi còn là sinh viên, ngoài việc học tập, còn có rất lựa chọn khác để trau dồi thêm kỹ năng như đi làm thêm, học thêm tiếng Anh, tìm cơ hội để trải nghiệm về nghề nghiệp… nhưng cuối cùng Th.s Phùng Năm quyết định trải nghiệm bằng cách xách ba lô và lên đường.

Tình cờ xem Facebook của một người bạn đăng tải nhiều bức ảnh đi xuyên Việt bằng xe đạp, thấy sao bạn ấy có một tuổi trẻ rực rỡ đến vậy, Việt Nam sao có thể đẹp vậy? Sao mình không cho bản thân một cơ hội để được thử những điều tương tự? Vậy là Th.s Phùng Năm hỏi bạn về chuyến đi và quyết tâm cũng thực một chuyến đi cùng nhóm trải nghiệm với phương tiện là xe đạp.

Trước chuyến hành trình dài, Ban tổ chức có những chuyến đi thực tế ngắn, ví dụ đạp xe từ Hà Nội đến núi Hàm Lợn ở Sóc Sơn và đến Tây Thiên, Vĩnh Phúc. Qua đó, các bạn trẻ có thể thử sức của mình và xem có thực sự muốn đạp xe xuyên Việt hay không. Từ hai chuyến đó, Th.s Phùng Năm rất muốn được thách thức giới hạn của bản thân và có một chuyến trải nghiệm dọc mảnh đất hình chữ S xinh đẹp.

Làm “giàu” thêm qua chuyến đi

Điều gì “có” được sau mỗi chuyến đi? Với Th.s Phùng Năm, ở mỗi thời điểm sẽ có câu trả lời một cách khác nhau. Tuy vậy, đọng lại ở chị có 3 điều.

Thay đổi định kiến về vùng miền: sau chuyến hành trình dài từ Hà Nội vào đến Cà Mau, đi qua rất nhiều tỉnh, hơn nữa trong đoàn có rất bạn đến từ mọi miền của Tổ quốc, chị nhận thấy những điều mình từng nghĩ về các vùng miền không hề đúng, mọi suy nghĩ sai đều bị phá vỡ.

Có thêm nhiều kỹ năng không có trên sách vở: chấp nhận sự khác biệt, thích ứng để trải nghiệm, sống để sinh tồn…đây là những kỹ năng được thực hành trong chuyến đi. “Nó làm cho con người của mình dày dặn hơn, trưởng thành hơn rất nhiều”, Th.s Phùng Năm chia sẻ.

Thích ứng về mặt sức khỏe: Từ chỗ lúc đầu thường bị tụt lại phía sau đoàn nhưng trong quá trình rèn luyện, thể lực được nâng cao hơn rất nhiều, dần dần đã có thể thích nghi với mọi người.

Tuy vậy, điều đặc biết nhất mà chuyến đi mang lại, đó là cảm giác “thèm khát tri thức”. Sao một anh học trường Bách Khoa lại có thể chỉ những chòm sao trên trời chính xác như vậy? Có thể nhìn vào hướng gió và đoán ngày mai thời tiết thế nào? Sao có chị học kế toán nhưng lại giỏi về chăm sóc sức khỏe y tế đến vậy?... Mọi người có rất nhiều kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Trong khi mình nhìn lại thấy thiếu quá nhiều thứ về cuộc sống.

Không thể có được trải nghiệm mới nếu theo cách cũ

Có ý kiến cho rằng, một chuyến đi trải nghiệm là quá lãng phí thời gian. Tuy nhiên, Th.s Phùng Năm cho rằng, nếu bạn muốn làm mới con người mình, muốn cho đôi mắt của mình được ngắm nhìn nhiều cái mênh mông hơn, làm cho tâm trí của mình được mở rộng ra thì không có gì để nuối tiếc cả. “Mình sẽ không thể làm theo cách cũ mà mong mình lại có trải nghiệm mới, con người mới được.”

Mỗi người có cách trưởng thành, cách lớn lên khác nhau, nhưng với Th.s Phùng Năm, những chuyến đi trải nghiệm thực tế mang lại những điều rất riêng mà nếu không đi thực sự rất khó để hình dung.

Những chuyến đi dù với mục đích gì, dù là công việc, học tập, thiện nguyện hay du lịch… đều đem lại những lợi ích nhất định, chí ít cũng để thấy mình quá nhỏ bé trước thế giới rộng lớn, những gì mình biết chẳng là gì giữa biển kiến thức bao la - “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Làm thế nào để thuyết phục bố mẹ cho tham gia những chuyến đi dài ngày? Nghe thêm chia sẻ của Th.s Phùng Năm: