Do nhu cầu của cuộc sống, những năm gần đây, việc cơi nới không gian sống, mở rộng diện tích bằng những lồng sắt được hàn gắn theo kiểu "chuồng cọp" đã trở thành thực trạng phổ biến ở các khu tập thể cũ và điều này vô hình trung trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo con số thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong quý 1/2022, cả nước đã xảy ra 443 vụ cháy, làm chết 21 người, bị thương 25 người; thiệt hại về tài sản khoảng 57,9 tỷ đồng. Trong số đó, cháy nhà dân có tới 174 vụ; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh 36 vụ; cháy chung cư và các loại hình khác là 9 vụ. Thiệt hại về người, tài sản do những vụ hỏa hoạn gây ra rất nặng nề và đau xót.

Không phủ nhận việc xây dựng “chuồng cọp” bên cạnh mục đích mở rộng diện tích sinh sống, đây cũng là nhu cầu cần thiết của người dân nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong bối cảnh tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng vô hình trung nó lại trở thành “con dao hai lưỡi” khi xảy ra sự cố bởi căn nhà chỉ có một lối thoát duy nhất.

Theo nhận định của PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát phòng cháy chữa cháy: Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy ở các khu chung cư cũ gần đây chủ yếu vẫn là do ý thức chủ quan của chính người dân, chưa tự tìm hiểu và nâng cao kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, các kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Ngoài ra, TS Ngô Văn Xiêm cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa khá quan trọng, đó là hầu hết những căn hộ ở các khu tập thể, chung cư cũ hiện nay gần như không có nhiều lối thoát hiểm. Cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát. Khu vực sân thượng và các cửa sổ hầu hết đều được hàn kín thành các “chuồng cọp”. Kiểu thiết kế này, theo TS Xiêm, khi có cháy xảy ra lực lượng cứu hộ rất khó khăn để tiếp cận hiện trường, dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ không kịp thời và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

“Với nhiều nhà dù là khu tập thể cũ nhưng đã gắn liền với cuộc sống hằng ngày, là nơi kiếm sống của mỗi người dân. Trong đó, có những hộ gia đình không dễ gì mà thay đổi được nếp sống. Bởi vậy dù biết trước những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản nếu không may xảy ra cháy nổ, nhưng họ đều chấp nhận, thậm chí phớt lờ cảnh báo từ chính quyền và cơ quan chức năng. Nhưng dù sao đi nữa về vấn đề an toàn cũng phải hết sức kiên quyết. Chúng ta phải quan niệm là mạng sống của con người là quan trọng nhất”, TS Xiêm khẳng định.

Sắp tới, sẽ bước vào mùa hè nắng nóng, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy. Để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, theo TS Ngô Văn Xiêm, các cơ quan chức năng cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ.

Với mỗi người dân, TS Xiêm khuyến cáo, cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Khi cơi nới diện tích không gian sống, lắp đặt lồng sắt theo kiểu chuồng cọp nên tham khảo ý kiến của chuyên gia nhằm đảm bảo yêu cầu về thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố. Tuyệt đối không được hàn kín, tránh việc bịt mất lối thoát hiểm.

Mỗi "chuồng cọp" nên có một cửa ra. Ở khu vực cơi nới không nên lưu trữ những vật dụng dễ bắt lửa. Chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy.

“Hỏa hoạn sẽ được ngăn chặn ngay tại mỗi gia đình và những hậu quả đau lòng từ những sự cố cháy, nổ sẽ không tiếp diễn nếu mỗi người dân có ý thức, có phương án phòng ngừa khoa học, hợp lý”, TS Ngô Văn Xiêm khuyến cáo. Khi xảy ra cháy hãy bình tĩnh, hô hoán báo động cho tất cả mọi người di chuyển ra ngoài, tuyệt đối không ẩn nấp trong phòng, nhà vệ sinh… đồng thời, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản và gọi điện báo cháy theo số khẩn cấp 114.

Ngay trong tối 25/4, tại Đồng Nai, hơn 4.000 m2 nhà xưởng với nhiều máy móc, nguyên liệu, thành phẩm sợi đóng tại Cụm công nghiệp Phú Cường, bốc cháy ngùn ngụt,

Nguyên vật liệu trong kho chủ yếu là bông gòn, vải, sợi dễ bắt lửa, nên chỉ khoảng 30 phút, hoả hoạn bao trùm toàn bộ công ty. Cột khói bốc cao hàng trăm mét, ngùn ngụt, đỏ rực cả khoảng trời.

Cảnh sát chữa cháy tỉnh Đồng Nai điều hơn 10 xe chữa cháy, cùng hàng trăm chiến sĩ, chia nhiều mũi dập lửa, chống cháy lan sang các công ty, khu vực lân cận. Đến khuya, đám cháy cơ bản được khống chế.

Cũng trong ngày 25/4 một đám cháy lớn xảy ra tại xưởng may rộng gần 300 m2 ở xã Hợp Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Qua thống kê sơ bộ, vụ cháy gây hư hỏng gần 300 m2 nhà xưởng, nhiều tài sản bị thiêu rụi và khiến con trai chủ xưởng may tử vong.