Anh Nguyễn Văn Thanh, ở huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ làm nghề kinh doanh tự do. So với mặt bằng chung, kinh tế gia đình anh chưa hẳn khá giả. Dẫu vậy, anh vẫn chi gần 30 triệu đồng với mong muốn được sẻ chia khó khăn với bà con vùng lũ. Quan niệm đồng tiền rất quý nhưng chưa phải tất cả nên anh còn trăn trở tìm cách hỗ trợ làm sao thiết thực và hiệu quả nhất. “Tôi muốn ủng hộ những gì bà con thiếu mà người khác chưa ủng hộ”, anh Thanh chia sẻ.

Thấy hình ảnh các cụ già và em nhỏ được người dân cõng, bế trong nước lũ, anh Thanh quyết định hỗ trợ áo phao. Tuy nhiên, anh tìm mua khắp nơi nhưng cửa hàng nào cũng báo hết hàng. Ở huyện miền núi Thanh Sơn, áo phao cũng không phải là mặt hàng phổ biến.

Không mua được áo phao, anh Thanh nghĩ đến những chiếc thuyền khi thấy lực lượng chức ở vùng lũ đang sử dụng để cứu hộ và vận chuyển hàng cứu trợ như một phương tiện hữu dụng. Anh lại chuyển sang phương án tìm mua và hỗ trợ thuyền.

Một lần nữa, anh Thanh lặn lội khắp huyện Thanh Sơn nhưng không mua được thuyền. Về nhà, anh tìm trên mạng và biết ở huyện Thường Tín, Hà Nội có cơ sở sản xuất và bán thuyền. Không quản đường xa, anh chạy hơn 100 km từ Thanh Sơn về Thường Tín ngay trong đêm để kiểm tra chất lượng rồi đặt mua hơn 50 chiếc thuyền. Mua xong, anh Thanh viết lên facebook cá nhân với nội dung cần tìm người tình nguyện vận chuyển đi tặng. “Em rất nóng lòng muốn chuyển vào ngay, vì khi nước lên cao thì thuyền mới phát huy tác dụng”, anh Thanh chia sẻ.

Chỉ ít phút sau, anh đã nhận được sự chung tay từ một người lạ ở một nơi xa. Đó là anh Bùi Duy Đạt, ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái – làm nghề lái xe tải. Anh Đạt cho biết, kinh tế gia đình không khá giả nên muốn đóng góp công sức để hỗ trợ bà con. “Chỉ vài phút sau khi đọc được tin anh Thanh cần xe, em gọi điện nhận lời rồi chuẩn bị đồ đạc, lên xe xuống Thường Tín luôn”, anh Đạt thổ lộ.

Như được cổ vũ, đồng thời để tiện chuyến, anh Thanh gọi cho một người bạn khác để kể về người bạn chưa gặp mặt ở Yên Bái và quyên tiền mua thêm số thuyền. Biết tấm lòng và nghĩa cửa cao đẹp ấy, bạn của anh Thanh đã đồng ý mua thêm hơn 20 chiếc thuyền nữa. Ông chủ xưởng sản xuất thuyền cũng tặng thêm vài chiếc nữa. Tổng cộng, anh Thanh mua và quyên góp được 87 chiếc thuyền.

Khi thực hiện xong việc mua - bán, anh Đạt - người nhận chở cũng xuất hiện. Khi đó, trời đã gần về sáng. Xếp hàng lên xe, anh Thanh và anh Đạt ăn vội bát mỳ rồi lên xe chạy vào các điểm ngập lụt sâu tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Anh ưu tiên cấp phát cho các đội cứu hộ và những khu vực thường xuyên ngập lụt. Những chiếc thuyền đã phát huy hiệu quả khi trở thành phương tiện sơ tán người già và trẻ em tại các điểm bị cô lập và vận chuyển đồ tiếp tế.

Trở về bên người bạn mới quen, anh Thanh nhận thấy lũ lụt gây đau thương nhưng cũng khiến cho người Việt mình xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn./.